Tháp Mười đổi thay từ nông thôn mới

Cập nhật ngày: 09/06/2018 04:01:44

ĐTO - Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Đồng Tháp, huyện Tháp Mười bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ xuất phát điểm thấp, kinh tế thương mại, dịch vụ chậm phát triển; nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Song với ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức đồng lòng của người dân, đến nay sau gần 3 năm phấn đấu, Tháp Mười đã có một diện mạo mới.


Mô hình sản xuất lúa lý tưởng tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông), góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân

Xây dựng NTM từ sự đồng lòng

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nhị Văn Khải – Bí thư Huyện ủy Tháp Mười cho biết, thuận lợi lớn nhất của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ đó nhiều nguồn lực được tập trung. Đến nay, huyện Tháp Mười có 7/12 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đang tập trung xây dựng 2 xã Mỹ Hòa, Tân Kiều đạt xã NTM trong năm 2018 và quyết tâm đạt thêm 3 xã còn lại trong năm 2019 (Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, Láng Biển).

Huyện cũng đã tập trung lãnh đạo khai thác có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, sự tham gia đóng góp của nhân dân tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tuy nguồn lực huy động chưa cao nhưng địa phương đã chỉ đạo tập trung đúng hướng, nhờ đó các tiêu chí cơ bản hoàn thành. Qua gần 3 năm triển khai chương trình, huyện đã huy động được hơn 5.191 tỷ đồng, trong đó ngân sách là 308,7 tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư gần 1.700 tỷ đồng...

Từ nguồn vốn này, huyện đã xây dựng được 393 công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, trường học... Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, diện mạo nông thôn chuyển biến tích cực. Hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa được đầu tư đã tạo sinh khí phấn khởi cho người dân. Đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang; an ninh trật tự nông thôn được giữ vững. Nhờ kinh tế phát triển nên hầu hết số lao động trong độ tuổi của huyện đều có việc làm, thu nhập ổn định, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,83%.

Gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Cùng với xây dựng NTM, huyện Tháp Mười đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Qua 3 năm triển khai Đề án, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao thu nhập trên mỗi diện tích đất canh tác.

Đến nay, Tháp Mười đã thành lập được 3 hội quán nông dân, 16 hợp tác xã (HTX) hoạt động ổn định (14 HTX nông nghiệp và 2 hợp tác xã dịch vụ vận tải) cùng nhiều tổ hợp tác, tổ liên kết hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý như mô hình sản xuất lúa lý tưởng tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2; mô hình giảm giá thành sản xuất lúa tại xã Trường Xuân; mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, gắn liên kết đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra tại các xã Mỹ An, Mỹ Quí và Mỹ Hòa... Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng ngành nông nghiệp bền vững gắn với việc thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện.

Theo ông Nhị Văn Khải, Tháp Mười đặt ra mục tiêu xây dựng 2 xã Mỹ Hòa, Tân Kiều đạt xã NTM trong năm 2018 và về đích huyện NTM trong năm 2019. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục cụ thể hóa trong kế hoạch chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện; chú trọng thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chuyển dịch mạnh cơ cấu trong nội bộ ngành, tăng tỷ trọng những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn với nhu cầu của thị trường. Tập trung phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nhằm thu hút, khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác...

Việc đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cùng những hoạch định cụ thể của địa phương, tin rằng Tháp Mười sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM vào năm 2020 theo kế hoạch của tỉnh.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn