Chủ động với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật ngày: 23/11/2015 12:54:38

Đồng Tháp là 1 trong 17 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) thấp trong cả nước. Cuối năm 2014, TSGTKS của tỉnh đạt 104 bé trai/100 bé gái. Đây là chỉ số lý tưởng thể hiện sự cân bằng trong giới tính của một địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương trong tỉnh đang có dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) với TSGTKS khá cao.


Các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông

Một số địa phương đang lâm vào tình trạng MCBGTKS

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tính từ đầu năm đến, nay một số huyện trong tỉnh có TSGTKS tăng khá cao như: Lai Vung, Lấp Vò, Tân Hồng,... Đây là vấn đề đáng lo ngại. Tại huyện Lai Vung, cuối năm 2014 TSGTKS của huyện ở mức 115 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, nhưng đến quí I năm 2015, con số này đã tăng lên 135 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Trong đó, 8 xã có TSGTKS cao là Tân Dương 350/100, Long Hậu 340/100, Tân Phước 114/100, Tân Hòa 133/100, Phong Hòa 140/100, Long Thắng 175/100, Hòa Long 150/100, Hòa Thành 267/100. Trước thực trạng này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế và tình hình có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (117 nam/100 nữ, ở quí III năm 2015). Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, tình trạng MCBGTKS đã xảy ra ở huyện trong 2 năm gần đây nhưng không quá cao. Cùng thực trạng như Lai Vung, tại Lấp Vò trong 3 năm (2011, 2012, 2013) TSGTKS cũng khá cao. Năm 2014, TSGTKS của huyện giảm còn 103,65/100, nhưng đến quý III năm 2015, TSGTKS đã tăng đột biến: 121 nam/100 nữ.

Qua tìm hiểu từ 2 địa phương nói trên cho thấy nguyên nhân MCBGTKS vẫn là phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo, phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Bên cạnh đó, do áp lực giảm sinh cùng với sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Ðể sinh ít con mà vẫn đảm bảo có con trai như mong muốn, các cặp vợ chồng đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh nhằm đáp ứng được cả hai mục tiêu nói trên.


Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội

Chủ động ngăn chặn tình trạng MCBGTKS

Theo các nhà khoa học xã hội, việc MCBGTKS sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của một địa phương trong tương lai. Tác động chính của hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng,...

Nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS, tránh những tác động tiêu cực của nó đến đời sống xã hội của địa phương trong tường lai, hiện nay, không riêng gì các địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính cao đã tăng cường công tác truyền thông vận động, kết hợp các ngành vào cuộc tuyên truyền quyết liệt để thay đổi nhận thức của người dân. Ông Lê Văn Kha - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lai Vung cho biết, huyện tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức về bình đẳng giới, tuyên truyền cho người dân hiểu hậu quả của việc MCBGTKS; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế chẩn đoán về thai sản; các ban, ngành, địa phương nỗ lực vận động người dân thay đổi quan niệm để hạn chế tình trạng MCBGTKS.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, Chi cục đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Sắp tới, Chi cục sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề MCBGTKS. Tại hội thảo, đại diện các địa phương có TSGTKS cao, một số địa phương có TSGTKS đạt mức lý tưởng trình bày tham luận và cùng nhau bàn bạc, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác truyền thông về MCBGTKS, tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết xác đáng, kịp thời cho các địa phương có TSGTKS tăng cao; chủ động ngăn chặn tình trạng MCBGTKS, không để tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của địa phương trong tường lai.

Bích Liễu-Mỹ Xuyên

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103-107 nam/100 nữ. Duy trì chỉ số này trong giới hạn nêu trên sẽ đảm bảo sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của mỗi một quốc gia hoặc địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện đáng báo động. Có tới 55 trong số 63 tỉnh, thành phố xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh với mức 114 bé trai/100 bé gái ở thành thị và 111,1 bé trai/100 bé gái ở nông thôn. Tình trạng này tăng cao trong những năm gần đây. Dự báo đến năm 2050 có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không thể tìm được vợ để kết hôn do tình trạng mất cân bằng giới tính sinh trai nhiều hơn gái như hiện nay.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn