Theo dấu những “hung thần” xa lộ

Cập nhật ngày: 23/11/2015 12:52:00

Kỳ 2: Những cái chết được dự báo trước

Mặc dù pháp luật xử lý rất nặng với các hành vi buôn lậu, nhưng vì muốn kiếm tiền dễ dàng, các “nài” vận chuyển hàng lậu bất chấp mọi nguy hiểm, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu vi phạm pháp luật. Họ luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân tham gia giao thông.


Một nài thuốc lá vận chuyển hàng trên Quốc lộ 30.
Ảnh: Thanh Phong

Nghề... bán mạng ăn tiền đường

Như đã đề cập ở kỳ trước, dạng vận chuyển hàng lậu theo kiểu hàng cục (đóng gói thuốc lá thành cục) rất nguy hiểm. Sau khi lấy thuốc lá từ Campuchia về, các đầu nậu ở Hồng Ngự sẽ thuê người chở hàng đến các địa điểm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Những người được thuê vận chuyển thuốc lá lậu, dân trong nghề gọi là nài, nài thường là các nam thanh niên độ tuổi từ 20 - 35, có tài lái xe giỏi để thoát khỏi sự đuổi bắt của lực lượng chức năng.

Đa phần các nài thường ham chơi, thích cờ bạc, một số ít nghiện ma túy nên rất liều lĩnh và luôn sẵn sàng chống trả lại lực lượng chống buôn lậu khi cần thiết. Tuổi nghề của nài rất ngắn, thường giải nghệ sau 30 tuổi. Do ở tuổi này, các nài đã bắt đầu chậm chạp, không còn nhanh và lì bằng nài trẻ nên các đầu nậu ít giao hàng cho chở.

Theo Nguyễn Văn D., một đối tượng buôn lậu theo dạng hàng kín (được đề cập ở kỳ trước), các nài luôn chở rất nhiều thuốc trên xe. Tuy nhiên, do pháp luật quy định nếu vận chuyển từ 150 cây thuốc trở lên (1.500 bao thuốc) sẽ bị xử lý hình sự nên để “em út” tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị “tóm”, thường các đầu nậu chỉ cho nài chở từ 149 cây thuốc trở xuống, tùy theo quãng đường đi xa hay gần, các nài sẽ được các chủ hàng trả công từ 200 - 300 ngàn đồng/lượt vận chuyển.

D. cho hay thêm, trong giới đầu nậu thuốc lậu ở TX.Hồng Ngự khét tiếng nhất là băng của N.Lúa. Dưới trướng của N.Lúa có đội ngũ nài lên đến trên chục người còn rất trẻ, ai cũng có máu liều về tốc độ và sẵn sàng sống chết để đảm bảo hàng cho y khi gặp phải lực lượng chức năng trong lúc vận chuyển.

Với sự hộ tống của các xe dẫn đường (thường có 1 xe chạy phía trước và 1 xe chạy phía sau), các nài thuốc lá sẽ “cõng” theo các kiện hàng phóng xe bạt mạng với tốc độ trên 100km/giờ, bất chấp các phương tiện lưu thông trên đường.

Qua hơn 1 tuần đeo bám, quan sát, nhận thấy các nài vận chuyển hàng lậu,... lúc nào cũng có điện thoại đeo sát bên tai nhằm nắm bắt thông tin cảnh giới từ đồng bọn. Nếu bị phát hiện, bao vây bắt giữ, do đa số toàn là xe “lụi” nên chúng sẵn sàng bỏ xe, bỏ hàng trốn thoát. Ngoài ra, để thoát khỏi vòng vây, các đối tượng hộ tống sẽ tìm cách “cản địa” lực lượng chức năng. Các nài thuốc có thể tháo bỏ các kiện hàng phía sau xe làm rơi xuống đường gây khó khăn cho lực lượng chức năng đuổi bắt hoặc cho nài chở hàng ít dừng lại cho Công an bắt, để các nài chở hàng nhiều thoát thân.

Đa số các nài luôn chạy xe với tốc độ hơn 100km/giờ, do đó mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông, hậu quả rất khó lường.

Những cung đường nguy hiểm

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đồng Tháp thì địa bàn xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự là địa bàn trong yếu diễn ra buôn lậu của tỉnh.

Khoảng 5 sáng ngày 13/11, có mặt trên tuyến đường đan liên huyện dọc sông Sở Thượng, kết nối phường An Lạc (TX.Hồng Ngự) với các xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, tôi phải nhanh chóng tấp vào lề để tránh đoàn xe mô tô 5 chiếc chở thuốc lá lậu chạy ngược chiều, điên cuồng hướng về TX.Hồng Ngự. Thấy tôi là người lạ, ông Lê Văn Hạnh (78 tuổi) ngụ khóm Cồng Cộc, phường An Thạnh liền la lớn: “Chú ở đâu đến. Ở đây nó chạy suốt ngày vậy đó. Nếu đụng mình bể đầu, mẻ trán nó chạy luôn, đừng hòng mà nó dừng lại hỏi thăm”.

Là dân cố cựu ở địa phương nên ông Lê Văn Hạnh biết rõ giờ giấc hoạt động của các nài vận chuyển hàng lậu. Thường khoảng từ 5-7 giờ sáng, từ 11-13 giờ trưa, buổi chiều từ 4-6 giờ và từ 22 giờ đêm đến 2-3 giờ sáng là giờ hoạt động của nài. Do mặt đường hẹp, đông dân cư, bình thường phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường này chỉ có thể đạt tốc độ khoảng 30 - 40km/giờ, nhưng các nài rất hiếm khi chạy dưới tốc độ 70 km/giờ. Vì vậy, những thời điểm các nài hoạt động, dân địa phương rất ngán ngại ra đường.

Không thắng, không tránh, không còi, không đèn đó là “luật” ngầm của các nài chở hàng lậu, nên họ trở thành nổi ám ảnh của nhiều người dân.

Ông Lê Văn Hạnh cho biết, bản thân ông đã bị các nài chở hàng lậu va quẹt hai lần, bị chấn thương đầu phải chuyển viện cấp cứu, trong khi các đối tượng chẳng thèm dừng lại hỏi thăm. Ông Hạnh bức xúc: “Mấy tên này nó không xem mạng sống người dân ra gì đâu. Nếu có đụng phải mình, nó sẽ chạy luôn. Mấy đối tượng này rất hung dữ, vì sợ trả thù nên không ai dám phản ứng”.

Thời gian gần đây, ngoài tuyến Quốc lộ 30 thì tuyến Tỉnh lộ ĐT841 trở thành cung đường quen thuộc để giới nài vận chuyển hàng lậu hoành hành. Dọc những tuyến đường trên, các nài đã gây ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông khiến người dân vô tội bị thương tật hoặc tử vong.

Điển hình, ngày 10/10/2014, Huỳnh Văn Nam (SN 1992) ngụ khóm Cả Gốc, phường An Thạnh (TX.Hồng Ngự) trong lúc vận chuyển thuốc lá từ Hồng Ngự đi Cao Lãnh bằng xe môtô trên Quốc lộ 30 đã không làm chủ tay lái và đụng vào xe mô tô chạy ngược chiều do anh Đàm Thanh Đạt (SN 1976, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) điều khiển, khiến anh Đạt tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đến nay, cái chết đột ngột của anh Nguyễn Minh Kiên (32 tuổi) là nỗi đau của gia đình ông Nguyễn Văn Khải (69 tuổi) ở khóm Sở Thượng, phường An Lạc, TX. Hồng Ngự. Rạng sáng ngày 30/10/2015 trong lúc đi qua đường ĐT841 trước nhà, anh Kiên đã bị hai nài chở đường cát lậu là Nguyễn Văn Mung (SN 1993, quốc tịch Campuchia) và Lâm Văn Đức (SN 1993, ngụ xã An Bình A, TX.Hồng Ngự) tông chết tại chỗ.

Sinh nghề... tử nghiệp

Kiếm tiền bằng cái “nghề” được cho bán mạng kiếm tiền đường, thường xuyên phải chạy mô tô với tốc độ hơn 100km/giờ trong khi các cung đường huyết mạnh để vận chuyển hàng lậu như Tỉnh lộ ĐT841, Quốc lộ 30,... lại rất nhỏ, hẹp nhiều phương tiện tham gia giao thông nên việc xảy ra tai nạn giao thông đối với các nài vận chuyển hàng lậu là điều đã được dự báo trước.

Đối với dân buôn hàng kín như Chớt hay Cảnh (đã được nhắc tới ở kỳ trước), dù được cho là ít nguy hiểm hơn với các nài chở hàng cục, nhưng cũng đã nhiều lần bị tai nạn giao thông.

Chớt cho biết, trong quá trình đi thuốc lá theo kiểu lời ăn lỗ chịu của bản thân đã rất nhiều lần anh bị té xe, người đầy thương tích. Còn đối với Cảnh, cách nay 5 năm, trong lúc vận chuyển thuốc lá lậu trên tuyến Quốc lộ 30 để giao cho khách ở Tiền Giang, do không xử lý kịp Cảnh đã tông vào xe một phụ nữ đang qua đường. Người phụ nữ bị tông không bị thương tích, nhưng Cảnh thì bị chấn thương sọ não và gãy xương chậu. Nhờ được chuyển đi cấp cứu kịp thời nên Cảnh mới giữ lại được mạng sống, trong khi có những nài đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trường hợp của nài Nguyễn Văn Phương Linh (SN 1994, ngụ ấp 2, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông) là một điển hình. Đang học nghề thợ sửa xe tại TX.Hồng Ngự, Linh theo bạn bè làm nài chở thuốc lá lậu. Khoảng 5 giờ 15 phút, sáng ngày 1/11/2014, Linh lái xe mô tô chở thuốc lá lậu trên Quốc lộ 30 theo hướng Hồng Ngự đi Tam Nông, đến đoạn đường thuộc ấp An Tài, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự, do đi không đúng phần đường Linh đã đụng vào ô tô tải đi ngược chiều. Hậu quả, Linh chết trên đường đi cấp cứu. Nhắc về con trai, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bên - Phạm Thị Thum vẫn chưa hết đau buồn. “Nhà ở trên tuyến Quốc lộ 30 nên tôi chẳng có ưa gì mấy đối tượng vận chuyển hàng lậu, vì đi vào con đường đó là chết. Từ khi nó chết đến nay, vợ tôi như người mất hồn. Đây là việc làm trái pháp luật. Tôi khuyên những ai vào con đường vận chuyển hàng lậu này nên quay đầu trở lại”.

Đến nay, chắc hẳn nhiều người dân sống trên đường đan liên huyện dọc sông Sở Thượng, đoạn thuộc khóm Cồng Cộc, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự vẫn còn nhớ rõ về cái chết của nài Lê Văn Tuấn (SN 1978, ngụ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự). Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 25/3/2015, nài Tuấn lái xe mô tô chở thuốc lá lậu, hướng từ xã Thường Thới Hậu B về phường An Lạc, khi đến địa điểm trên do không làm chủ tai lái đã tông vào cột hàng rào của người dân ven đường. Tuấn tử vong khi đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cấp cứu.

Đây chỉ là một số vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong điển hình của các nài vận chuyển hàng lậu, nhằm để cảnh tỉnh cho những ai bất chấp hiểm nguy và bất chấp các quy định của pháp luật để tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu có chiều hướng ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống buôn lậu, để những “hung thần” xa lộ không còn điều kiện hoạt động, không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.

Trần Ngọc

Đại úy Nguyễn Chí Công - Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Cầu Muống (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) cho hay: Các đối tượng buôn lậu cử người theo dõi Đồn 24/24 nên rất khó trong công tác đấu tranh, xử lý nạn buôn lậu. Hễ đơn vị triển khai lực lượng là họ báo cho đồng bọn biết để ngưng hoạt động. Khi thấy tình hình êm, chúng sẽ chạy xuồng qua Campuchia lấy hàng rồi trở về giao hàng cho đồng bọn đậu xe mô tô chờ sẵn, chạy với tốc độ cao đi TX.Hồng Ngự tiêu thụ. Các đối tượng này rất manh động và liều lĩnh, nhiều trường hợp khi bị bắt giữ đã thông báo cho đồng bọn và người dân đến hỗ trợ cướp lại hàng kể cả tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn