Chuyện “gốc” và “thân”trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 23/11/2015 07:55:06

Nhớ lại khi học tiểu học, có một câu tục ngữ rất hay nói về sức mạnh của sự đoàn kết trong xã hội, đó là: “Hợp quần gây sức mạnh”. Chỉ có 5 từ cô đọng, dễ nhớ mà là một chân lý thật sâu sắc, là lời khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn của người xưa về tác dụng và giá trị của tình đoàn kết. Sức mạnh của một xã hội bao gồm tổng hòa nhiều sức lực, nhiều khối óc, nhiều bàn tay làm thành một sức mạnh duy nhất, sức mạnh ấy lớn hơn rất nhiều lần sức mạnh của mỗi hoặc một vài cá nhân, dù đó là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành giỏi nhất.

Chúng ta luôn coi trọng sức mạnh từ người dân, xác định “nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...”. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang triển khai cũng với nhận thức đó. Nhưng trong các báo cáo thành tích xây dựng NTM ở nhiều địa phương, chỉ thấy các con số thống kê người dân đóng góp bao nhiêu kinh phí, bao nhiêu ngày công, hiến bao nhiêu đất để làm các công trình hạ tầng, dân sinh. Và, chúng ta xem đó là đã phát huy được “vai trò chủ thể của người dân”. Nếu nghĩ như vậy có đơn giản quá không? Đại đa số người dân nghĩ gì và đã làm gì để góp phần vào tiến trình xây dựng NTM ngay chính mảnh đất họ ngày ngày sinh sống, làm ăn?

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là hướng đến cải thiện chất lượng sống của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, có 19 tiêu chí cụ thể, và cả bộ máy cuốn theo thực hiện bằng được các tiêu chí đó. Nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: người dân đang tham gia như thế nào trong tiến trình mang lại sự khá giả cho chính mình? Hay các cấp ủy, chính quyền đã “nghĩ thay, làm thay” tất cả cho người dân. Hay, chúng ta nghĩ rằng: hệ thống chính trị là sức mạnh duy nhất? Đi thăm, khảo sát và tiếp xúc nhiều nơi, nhiều người, tôi cho rằng: không phải như vậy! Các cấp ủy, chính quyền, hay nói rộng ra là cả hệ thống chính trị là vẫn chưa đủ, chúng ta cần và rất cần phát huy nội lực từ người dân. Nội lực ấy không chỉ là phần hữu hình có thể “đong - đo - đếm” được như đất đai, ngày công, kinh phí, mà quan trọng hơn là phần vô hình: sự tự quản, tính tự lực, tự chủ, hợp tác của chính người dân. Chúng ta phải biết khơi gợi và có cơ chế để người dân tham gia bàn bạc và quyết định những công việc liên quan đến cuộc sống thiết thân của họ.

Để triển khai xây dựng NTM, chúng ta có ban chỉ đạo, ban điều hành các cấp, ngoài ra, còn có ban phát triển ở ấp. Tuy nhiên, phải chăng, tất cả các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế... cho đến tổ chức các mô hinh kinh tế hợp tác, hầu như do các ban chỉ đạo vạch ra. Sự tham gia của người dân gần như chỉ mang tính hình thức. Nếu đến từng cộng đồng dân cư, ở bất kỳ địa phương nào cũng có những người dân tiêu biểu, có tinh thần thiện nguyện chăm lo cho cộng đồng: từ cất nhà tình thương, xây dựng cầu đường nông thôn, gầy dựng từng bếp ăn và chắt chiu từng suất ăn từ thiện dành cho người bệnh đến những ca mổ mắt cho người nghèo, những chiếc xe đạp và suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Đấy, người dân tự nghĩ ra, cùng ngồi lại bàn bạc và huy động nguồn lực để thực hiện. Sao chúng ta không “biết”, không “dám” trao quyền cho những người tiêu biểu như vậy để cùng “quán xuyến” công cuộc xây dựng NTM? Chúng ta có đang “nghĩ thay, làm thay” cho người dân không? Người dân có đang đứng ngoài cuộc, xem NTM là việc của ai đó chứ không liên quan đến mình theo kiểu “Ôi, nghĩ ngợi mà làm gì, đã có Nhà nước lo!” không? Chúng ta soi rọi lại và nhận được câu trả lời gần như rõ ràng cho nhiều trường hợp rồi, phải không?

Có phải chúng ta chưa thoát khỏi tư duy: đã lãnh đạo, điều hành thì phải lập các quy hoạch, kế hoạch để xã hội, người dân thực hiện? Có phải chúng ta cho rằng đó mới là “quyền lực của người lãnh đạo”?. Vì sao chúng ta không mở ra một thiết chế mà ở đó người dân được và phải được trao quyền tham gia trực tiếp vào các chương trình ảnh hưởng đến cuộc sống của họ? Chỉ khi người dân được tin tưởng và trao niềm tin, họ sẽ là người trực tiếp đưa ra các ý kiến và tự nguyện thực hiện. Đến lúc đó, tính tự chủ, tự lực, tự cường của người dân được phát huy và trở thành động lực cho sự phát triển của xã hội nông thôn. Hay, chúng ta cho rằng đã có những thiết chế thay mặt người dân như: Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội rồi? Ở chừng mực nào đó, nghĩ như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ!

Nhớ lại, Bác Hồ có bài thơ “Hòn đá” thật dung dị để nói đến sức mạnh của người dân:

“Hòn đá to/Hòn đá nặng,

Một người nhấc/Nhấc không đặng...

Hòn đá nặng/Hòn đá to,

Nhiều người nhấc/Nhấc lên đặng”.

Hãy cùng nhau “tiếp tục đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ”. Hãy mở ra nguồn năng lượng mới, tạo ra động lực mới cho sự phát triển! Đừng tự đóng khuôn mình trong những mô hình, trong những nếp nghĩ không còn phù hợp nữa!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn