Theo dấu những “hung thần” xa lộ

Cập nhật ngày: 20/11/2015 13:42:07

Kỳ 1: Buôn lậu ẩn mình

Đi dọc theo tuyến Tỉnh lộ ĐT841 và tuyến Quốc lộ 30,... khi nhắc đến các đối tượng vận chuyển hàng lậu, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán. Họ ví những đối tượng vận chuyển hàng lậu như những “hung thần” xa lộ, là nỗi khiếp sợ và gây bất an cho người dân. Phóng viên Báo Đồng Tháp đã theo dấu các đối tượng buôn lậu để phản ánh tình hình.


Đối tượng buôn lậu bị Công an huyện Thanh Bình bắt giữ cùng tang vật

Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 769 vụ, với 388 đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tăng 214 vụ so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vận chuyển thuốc lá ngoại là 624 vụ, tăng 123 vụ so với cùng kỳ. Hàng hóa thu giữ gồm hơn 384 ngàn gói thuốc lá ngoại và nhiều tang vật khác, ước trị giá hơn 5,4 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 752 vụ, với 368 đối tượng và xử lý hình sự 17 vụ, với 20 bị can về tội mua bán, vận chuyển hàng cấm. 

Được người bạn giới thiệu, những ngày cuối tháng 10/2015 tôi đến khu vực Ngã ba An Long thuộc ấp Phú Yên, xã An Long, huyện Tam Nông để nắm phương thức và thủ đoạn vận chuyển hàng của giới buôn lậu nơi đây.

Thủ thuật của giới buôn hàng kín

Thường các đối tượng vận chuyển hàng lậu rất ghét nhà báo như tôi vì hay săm soi chuyện “làm ăn” của họ, nhưng được anh bạn là chỗ thân tình với những người này giúp đỡ, giới buôn lậu chẳng ngại ngùng kể về những ngóc ngách của “nghề” cho tôi được biết. Người tôi làm quen là Nguyễn Văn D. - một tay chuyên cờ bạc và kiêm luôn việc vận chuyển thuốc lá lậu có “số má” ở khu vực Ngã ba An Long. D. hơn 40 tuổi, không có ruộng đất, không có nghề nghiệp, hơn 1 năm nay tham gia vận chuyển thuốc lá lậu để “kiếm tiền” nuôi vợ và hai con nhỏ.

D. cho biết, những người vận chuyển thuốc lá lậu như anh gồm hai dạng. Dạng đầu tiên là buôn hàng kín, là hình thức thuốc lá sau khi mua ở biên giới sẽ được xé rời thành từng gói rồi cất giấu trong cốp xe, thân xe cho kín để chuyển đến nơi tiêu thụ. Vận chuyển hàng lậu kiểu này, người bình thường rất khó nhận biết vì không thấy hàng lậu đâu và người buôn lậu chạy xe không nhanh hơn người bình thường nhiều, chỉ có lực lượng Công an, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ mới có thể phát hiện. Dạng thứ hai là vận chuyển hàng cục, tức thuốc lá được đóng gói lại thành khối hoặc thành cục lớn rồi chở lộ phía sau xe nên khi gặp giới này mọi người rất dễ nhận biết, phát hiện. Đây cũng là nỗi khiếp sợ của những người tham gia giao thông.

Hiện D. cùng khoảng hơn chục đối tượng khác địa phương đang ẩn mình buôn lậu thuốc lá ở dạng “hàng kín”. D. nói: “Ở xóm tôi, buôn lậu là để sống qua ngày. So với vận chuyển hàng cục, chúng tôi chỉ chạy xe nhanh hơn bình thường một tí nên ít nguy hiểm. Đi buôn hàng cục do vốn nhiều nên họ chạy xe bạt mạng bất kể tính mạng của mình và người khác”.

Để chở được nhiều thuốc lá, các xe mô tô chở thuốc lá lậu sẽ được đưa đến các tiệm sửa xe để thợ “hô biến” bình xăng ra khỏi cốp xe, sau đó chế lại bình xăng ở phần đầu xe. Ngoài ra, cốp xe còn hàn khung sắt cho cốp cao thêm để chứa nhiều hàng. Thường chi phí để chế lại xe có kết cấu chở hàng kín như D. khoảng 1 - 2 triệu đồng tùy loại xe. Vì thường hay bị lực lượng chức năng bắt và xử lý, nên các xe mô tô dùng để vận chuyển thuốc lá lậu đa số là xe không giấy tờ, được thu mua ở khắp nơi với giá giao động từ 2-10 triệu đồng/chiếc, sau đó được gắn biển số giả, đôn dên, sấy nòng để chạy được tốc độ cao. Nếu bị bắt và bị xử lý, các đối tượng buôn lậu sẵn sàng bỏ xe.

Xe mô tô của D. dùng vận chuyển thuốc lá lậu hiệu Future, được anh lùng mua với giá 5 triệu đồng. Chỉ tay vào chiếc xe là phương tiện “làm ăn”, D. nói: “Coi vậy chứ chạy bốc lắm à. Chiếc này tôi làm máy và bình xăng tốn gần 2 triệu đồng, có thể chứa 25 cây thuốc”.

Các loại xe mô tô thường dùng để vận chuyển kín thường là xe Wave các loại, xe hiệu Future, Atila,... Các loại xe này sau khi được thay đổi vị trí bình xăng có thể chứa được 20 - 30 cây thuốc. Theo D., thời gian gần đây, một số đối tượng buôn lậu có điều kiện khá giả đã mua loại xe Future 125 FI đời 2014 có giá hơn 30 triệu đồng để dùng vận chuyển thuốc lá lậu, mỗi xe như thế có thể vận chuyển đến 40 cây thuốc lá. Do giá cả đắt đỏ nên hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp chỉ có khoảng 3 - 4 đối tượng dùng xe Future 125 FI đời 2014 để vận chuyển thuốc lá lậu.

Sức hút khó bỏ... của “nghề” buôn lậu

Ngồi trò chuyện với tôi mà chuông điện thoại của D. cứ reo lên liên tục do phía đối tác lấy thuốc lá của D. hỏi bao giờ có hàng. Theo D., vì trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, các ngành chức năng các địa phương đã siết chặt công tác phòng, chống buôn lậu nên những người buôn lậu như anh tạm ngưng hoạt động và những đầu nậu khan hiếm hàng để giao cho khách. D. khẳng định: “Giờ đã qua Đại hội Đảng rồi, bọn tôi đi lại. Sáng mai anh đi theo tôi quan sát chơi cho biết”.

Đúng giờ theo cuộc hẹn, tôi đến quán cà phê gần Ngã ba An Long gặp D. và nhiều nam, nữ thuộc giới buôn lậu thuốc lá. Không có chút e dè, đề tài bàn tán bên tách cà phê của họ luôn là chủ đề buôn lậu thuốc lá. Câu chuyện của họ đại loại: hôm qua có đi chuyến nào không, đi được bao nhiêu cây, giao hàng cho ai, ở đâu, giá bao nhiêu, có bị Công an đuổi bắt không. Tâm sự với tôi, tất cả họ đều lấy lý do hoàn cảnh quá khó khăn, không ruộng đất, không biết phải làm gì nên đi buôn lậu. Thế nhưng, theo anh bạn tôi bật mí, trong số những người tôi gặp hôm đó có người hoàn cảnh không đến nỗi nào cũng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu vì khoản lợi nhuận béo bở mà nó mang lại. Mỗi cây thuốc nếu vận chuyển trót lọt đến nơi tiêu thụ, tùy loại và tùy thời điểm có thể kiếm lãi trung bình từ 10 - 20 ngàn đồng. Mỗi chuyến hàng nếu vận chuyển từ 20 - 40 cây thuốc, người buôn thuốc lá lậu có thể bỏ túi từ 200 - 800 ngàn đồng nên họ bất chấp mọi hiểm nguy.

Mối nguy hiểm cho xã hội

D. cho hay, khách hàng “truyền thống” của anh thường ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), ngã ba Ông Bầu (huyện Cao Lãnh), huyện Lấp Vò,... Lấy hàng từ biên giới Campuchia, D. phải vượt 70 - 100km trên các tuyến đường Tỉnh lộ ĐT841 và Quốc lộ 30 nhỏ hẹp có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông với tốc độ trung bình 80km/giờ, nên bản thân anh luôn đối mặt với nỗi ám ảnh “tai nạn giao thông”. D. cho hay, mỗi khi bị Công an đuổi bắt trong lúc vận chuyển thuốc lá, bất cứ giá nào những người buôn lậu như anh cũng tìm cách chạy thoát thân để tránh bị xử lý nên là mối nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Đoạn đường ĐT841 từ biên giới thuộc xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự) về đến nhà D. ở Ngã ba An Long (huyện Tam Nông) dài hơn 50km, mặt đường nhỏ hẹp với rất nhiều phương tiện tham gia giao thông, nhưng D. điều khiển xe chạy vèo vèo. Chỉ trong thời gian chưa đầy 30 phút D. đã về đến nhà tập kết hàng. D. thổ lộ: “Tôi chạy như thế còn chậm đó. Chứ dân chở hàng cục, chạy trung bình khoảng 120 - 130km/giờ và khi bị công an rượt đuổi thì chạy tốc độ khoảng 150 - 160km/giờ. Trung bình vận chuyển hàng từ biên giới giao cho các đầu nậu ở Cái Bè dân chuyển hàng cục đi không đến 90 phút”.

Đúng như D. nói, trong một buổi tối tôi có mặt ở Ngã ba An Long và đã chứng kiến một đoàn xe mô tô khoảng 4 chiếc chở thuốc lá dạng hàng cục chạy ngang, bất chấp hiểm nguy, các đối tượng này phóng như bay trên Quốc lộ 30. Nhớ lại thật khủng khiếp.

Tuy nguy hiểm cho xã hội là vậy, nhưng do việc kiếm tiền quá dễ dàng nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu khó từ bỏ nghề, kể cả khi bị tai nạn hoặc bị cơ quan chức năng bắt xử lý, phạt tù. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Văn Cảnh ngụ cùng ấp Phú Yên, xã An Long với D. nhiều năm vận chuyển thuốc lá lậu, Cảnh đã hai lần bị lực lượng chức năng bắt, sau đó bị phạt 9 tháng tù về hành vi vận chuyển hàng cấm. Hiện Cảnh đã ra tù nhưng vẫn tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.

Hay trường hợp của một người tên Chớt, gần nhà của D., tuy chưa từng bị xử lý hình sự vì vận chuyển thuốc lá lậu, nhưng Chớt đã bị ngành chức năng đuổi bắt nhiều lần, phải bỏ hàng, bỏ xe chạy thoát thân. Có thời điểm chỉ trong 1 tuần, Chớt bị lực lượng Công an đuổi bắt phải bỏ xe và bỏ số thuốc lá trị giá hơn 5 triệu đồng. Chớt tâm sự: “Nghề của tụi tôi khó làm giàu lắm. Đi trót lọt thì tiêu xài không tiếc tay. Còn khi bị bắt thì hết vốn phải vay mượn tiền góp đi thuốc tiếp để trả lại cho người ta. Xóm này ai đi thuốc cũng mượn tiền góp hết. Tôi đã mượn người ta 40 triệu đồng... Mới mua lại phương tiện để đi tiếp”.

Vận chuyển hàng lậu, thuốc lá lậu là “nghề” đánh đổi mạng sống, nhưng không thể làm giàu từ nó. Thế nhưng dân buôn lậu, vận chuyển hàng lậu vẫn lao vào dù biết được việc làm của mình là gây mất an toàn giao thông và nguy hiểm cho xã hội.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đồng Tháp, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh có khoảng 30 đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp và hơn 50 đối tượng tham gia vận chuyển và tiếp tay cho buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá ngoại rất manh động và liều lĩnh, nếu bị phát hiện và bắt giữ họ luôn chống đối quyết liệt với lực lượng chức năng để giành lại hàng. Công tác xử lý hành chính đối với các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá gặp nhiều khó khăn do khung phạt cao, nhưng đa số đối tượng lại là dân nghèo, vận chuyển thuê, không có tài sản nên không có khả năng đóng phạt.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Trần Ngọc

(Còn tiếp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn