Bức xúc vì bị thầu xây nhà kém chất lượng

Cập nhật ngày: 31/10/2014 13:37:56

Ở huyện Tân Hồng, thời gian qua có một số công ty, doanh nghiệp đến hợp đồng xây dựng nhà ở cho người dân trên các cụm, tuyến dân cư, tuy nhiên do muốn lợi nhuận cao, các đơn vị này đã xây nhà không đạt chất lượng như thiết kế rồi bàn giao cho người dân. Trong khi chờ khắc phục, chủ nhân của các căn nhà này đang sống trong tâm trạng lo âu.


Một căn nhà do Doanh nghiệp Khang Hằng thực hiện xong nhưng người dân không chịu nhận vì chất lượng kém

Bị nhà thầu “ăn” bớt sắt và cánh én

Tại tuyến dân cư Bờ Nam kênh Bắc Viện thuộc ấp Anh Dũng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng có gần chục căn nhà được Doanh nghiệp tư nhân Phượng Lộc Khang Hằng, trụ sở tại huyện Thanh Bình (gọi tắt là Doanh nghiệp Khang Hằng) thi công xong cho người dân nhưng chẳng mấy ai dám vào ở vì nhà quá kém chất lượng. Chỉ cần một cơn gió nhẹ, phần mái tôn của nhiều căn nhà kêu lên ầm ầm. Ngoài ra, phần khung nhà như cột, kèo nhà bằng bê tông bị cong, nứt, dù các căn nhà được xây dựng xong chỉ hơn 1 tháng.

Trái với tâm trạng phấn khởi vì được nhận ngôi nhà mới, vợ chồng anh Trần Văn Phước, chị Nguyễn Thị Mai (43 tuổi) ở ấp Anh Dũng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng luôn sống trong lo âu.

Cuối tháng 7/2014, vợ chồng anh Phước quyết định ký hợp đồng giao ước với Doanh nghiệp Khang Hằng xây dựng nhà với chi phí 21,5 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng được vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1,5 triệu đồng còn lại vợ chồng anh Phước tự đóng cho doanh nghiệp. Đến đầu tháng 9 thì căn nhà hoàn thành, thế nhưng khi anh Phước, chị Mai vào ở thì phát hiện chất lượng căn nhà rất kém xa so với thiết kế ban đầu.

Chị Nguyễn Thị Mai nói: “Cột nhà khi dựng lên đã bị nứt, chồng tôi thấy sợ quá mới trám lại. Lúc cất nhà tôi có nói trước với mấy anh thợ làm kỹ dùm tôi, nhưng giờ bị nứt tùm lum. Lúc đổ đà kiềng thấy họ đào móng quá cạn, tôi đã lắc đầu rồi. Nói thiệt nếu có tiền tôi không bao giờ hợp đồng cất nhà của Công ty”.

Theo chị Mai, căn nhà của chị còn bị doanh nghiệp “ăn” bớt sắt của các xiên ngang. Thay vì thi công 4 thanh sắt trong ruột xiên ngang như thiết kế, đơn vị thi công chỉ thực hiện 3 thanh sắt; đồng thời các thanh sắt chỉ được kết nối bằng dây kẽm tạm bợ chứ không có sắt đay như thường lệ. Ngoài ra, phần nền của hầm vệ sinh cũng bị “ăn” bớt phần vỉ sắt và bê tông lót.

Ngoài ra, nhiều hộ dân ở tuyến dân cư Bờ Nam kênh Bắc Viện còn bị Doanh nghiệp Khang Hằng bỏ bớt phần cánh én so với thiết kế. Hộ nào muốn xây cánh én phải đóng thêm 1,5 triệu đồng, hoặc tự mua vật liệu và mướn thợ của doanh nghiệp xây với giá 500 ngàn đồng. Với căn nhà của anh Phước, gia đình phải tốn thêm hơn 1 triệu đồng mua vật liệu và thuê nhóm thợ của doanh nghiệp này xây mới có cánh én hoàn chỉnh.

Tương tự là trường hợp của ông Phan Văn Tiểng (74 tuổi) ở gần đó. Hiện nay, dù phần khung nhà đã được phía Doanh nghiệp Khang Hằng xây xong nhưng gia đình ông Tiểng vẫn chưa nhận. Ông Tiểng bức xúc: “Trước vợ chồng tôi ở trong căn nhà nhỏ giờ được Nhà nước tạo điều kiện cho vay tiền cất nhà trên tuyến dân cư nhưng Công ty xây nhà gì mà cột kèo chưa vào ở đã bị cong, bị nứt. Thật tình tôi không dám vào ở”.

Thiết kế của kỹ thuật công trình nhà ở Cụm dân cư giai đoạn 2 hạng mục khung nhà bê tông dự ứng lực lắp ghép diện tích 4m x 8,5m của Doanh nghiệp Khang Hằng được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng thẩm định thì toàn bộ cột, giằng, kèo được lắp đặt bằng bê tông dự ứng lực đúc sẵn, với mác 400. Tuy nhiên, ông Võ Thành Công - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho hay, toàn bộ cột bê tông mà Doanh nghiệp Khang Hằng lắp cho người dân đều do doanh nghiệp tự đổ tại chỗ.

Theo một kỹ sư xây dựng ở TP.Cao Lãnh, việc doanh nghiệp Khang Hằng tự đổ cột như thế, cột chỉ đạt tối đa mác 250 nên chất lượng không đảm bảo là tất yếu.


Chị Nguyễn Thị Mai phải chi thêm gần 1 triệu đồng để được xây dựng phần cánh én dù trong thiết kế Doanh nghiệp Khang Hằng phải xây dựng

 

Thi công nhà không đúng thiết kế

Ông Võ Thành Công cho hay, tuyến dân cư Bờ Nam kênh Bắc Viện hoàn thành năm 2012 có 292 nền nhà được quy hoạch. Địa phương đã giao nền xong cho người dân nhưng hiện tại chỉ có 125 hộ vào cất nhà.

Ông Công cũng cho biết thêm, bước đầu Doanh nghiệp Khang Hằng ký hợp đồng xây dựng hơn 20 căn nhà cho các hộ dân trên địa bàn. Hiện đơn vị này đã thi công xong 5 căn cho người dân. Do phát hiện thi công không đúng với thiết kế, xã đã lập biên bản đình chỉ để khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa tiến hành khắc phục.

Theo ông Võ Thành Công, đây không phải là lần đầu tiên địa phương xảy ra tình trạng các công ty, doanh nghiệp xây dựng nhà ở kém chất lượng cho người dân ở các cụm, tuyến dân cư. Vào năm 2013, Công ty Vĩnh Phát (trụ sở ở An Giang) ký hợp đồng cất 32 căn nhà cho người dân trên địa bàn xã Tân Thành A. Tuy nhiên, khi xây dựng, Công ty này đã thi công hệ thống đà kiềng và một số chi tiết khác không đúng với thiết kế nên ngành chức năng huyện không nghiệm thu. Đến nay, Công ty Vĩnh Phát chỉ mới khắc phục được 17/32 căn nhà cho người dân.

Ông Trương Phước Vũ - cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng cho hay, việc quản lý, thẩm định, kiểm tra các công ty, doanh nghiệp đến huyện Tân Hồng xây nhà cho người dân có đúng kỹ thuật, quy trình và đạt chất lượng như thiết kế hay không, địa phương gặp nhiều trở ngại do nguồn nhân sự của Phòng thiếu. Bên cạnh đó, cán bộ nông nghiệp-địa chính-xây dựng ở các xã là người trực tiếp giám sát tại công trình, nhưng theo ông Vũ thì ở các xã, thị trấn chỉ có 60% cán bộ lĩnh vực địa chính, xây dựng xã có nghiệp vụ về xây dựng, nên việc giám sát quá trình xây dựng của các công ty này đối với người dân gặp khó khăn.

Thiết nghĩ, người dân được xét cất nhà trên các cụm, tuyến dân cư ở huyện Tân Hồng đa phần đều là những hộ nghèo, khó khăn nên được hỗ trợ vay vốn trả chậm với lãi suất thấp để cất nhà, họ rất phấn khởi. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp vì muốn có lãi nhiều, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các hộ dân, khi cất nhà đã tìm cách xây dựng nhà ở không đúng với thiết kế hoặc “ăn” bớt vật tư làm chất lượng căn nhà bị ảnh hưởng. Mong rằng, các ngành chức năng địa phương sớm có biện pháp cần thiết để không còn trường hợp tương tự diễn ra.

Phú Thuận

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 huyện được đầu tư xây dựng 1 cụm dân cư và 5 tuyến dân cư. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, các cụm, tuyến dân cư này bố trí 1.588 nền (chưa kể 2 cụm, tuyến dân cư của Bộ Quốc phòng thực hiện) đến nay trên địa bàn mới có 505 căn nhà được xây dựng xong.

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn