Từng bước bồi đắp điểm yếu của ngành hàng hoa kiểng

Cập nhật ngày: 30/09/2015 12:25:56

Tại diễn đàn sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia các chuyên gia đến từ các viện, trường cùng nông dân sản xuất hoa kiểng, những ưu, nhược điểm của ngành hàng được các đại biểu bóc tách nhằm định hướng xây dựng sản phẩm thế mạnh này phát triển bền vững.


Hoa kiểng là sản phẩm thế mạnh của tỉnh nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng sản phẩm

Ông Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp chia sẻ, hoa kiểng là sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đối với những quốc gia sản xuất hoa kiểng, hàng năm doanh thu họ mang về rất lớn. Cụ thể: năm 2013-2014 Đài Loan thu về 248 triệu USD; Nhật Bản thu trên 3.138 triệu USD trong năm 2008... So với tỉnh nhà, việc khai thác tiềm năng hoa kiểng của Đồng Tháp còn khá khiêm tốn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định sản xuất hoa kiểng của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của Đồng Tháp nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hầu như người dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đúc kết, phụ thuộc vào sự may rủi của thời tiết và chưa gắn kết với nhu cầu thị trường... Để ngành hàng hoa kiểng phát triển, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, định hướng thị trường tiêu thụ...

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc sản xuất hoa kiểng tại Đồng Tháp chỉ dừng lại mức độ kinh nghiệm, thiếu cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất, dẫn đến sức cạnh tranh kém, tăng chi phí. Hiện nay, Đồng Tháp học hỏi Hà Lan, xây dựng nhà màng và nhà lưới nhưng vốn đầu tư quá lớn lại là rào cản... Được biết, với mỗi hécta xây dựng nhà lưới, chi phí khoảng 100 triệu đồng và nhà màng là khoảng 500 triệu đồng.

Việc nông dân đưa cơ giới vào sản xuất hoa kiểng hiện nay cũng khá hiếm. Nếu có máy móc cũng là sử dụng tạm từ những cơ giới phục vụ cho sản phẩm khác. Ông Mai Văn Trầm - Giảng viên trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Việc tiếp cận với thiết bị, vật dụng, máy móc hiện đại sẽ bài toán khó đối với người nông dân do chi phí bỏ ra khá lớn. Nhưng đối tượng có thể tiếp cận được là các hợp tác xã hoa kiểng. Việc sử dụng mua cơ giới hóa, thiết bị, dụng cụ chuyên dụng hiện đại vào sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều”.

Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng là thiếu sót. Do xuất phát mô hình sản xuất cá thể nhỏ lẻ, người trồng hoa sau khi thu hoạch mong muốn “chuyển nhượng” ngay cho thương lái. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá trị kinh tế của sản phẩm thấp. Riêng vấn đề bảo quản sau thu hoạch là bài toán nan giải bởi việc tiếp cận quá mới mẻ. Các trường, viện thời gian qua việc nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu này cũng chưa có nhiều bề dày. “Nhìn chung công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho nông sản hiện nay phát triển chưa cao. Riêng hoa kiểng chỉ mới thực hiện nghiên cứu gần đây. Nhằm đưa ngành hàng hoa kiểng mang tầm cao mới thì việc thực hiện công đoạn bảo quản sau thu hoạch là vô cùng cần thiết. Bởi hoa kiểng không chỉ là sản phẩm mang giá trị kinh tế cao mà còn mang tính thẩm mỹ lớn” - Giảng viên Lê Văn Hòa, Trường Đại học Cần Thơ nhận định.

Với những chia sẻ của các chuyên gia, không thể phủ nhận rằng, sản xuất hoa kiểng của Đồng Tháp còn nhiều cái thiếu so với những quốc gia chuyên nghiệp cùng ngành. Hiện Đồng Tháp không chỉ đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực mà còn từng bước tổ chức thể chế trong sản xuất hoa kiểng, xây dựng các giải pháp chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động thương mại... nhằm đưa ngành hàng giàu tiềm năng này khởi sắc.

Là một trong những người được tham gia tập huấn đào tạo ngắn hạn tại Hà Lan, bà Nguyễn Thị Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ tại diễn đàn: “Soi rọi lại tình hình sản xuất hoa kiểng của địa phương với quốc gia Hà Lan có sự chênh nhau rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần nhìn ra thực tế để làm động lực, cùng nhau xây dựng, khắc phục hạn chế, đưa ngành hàng hoa kiểng tỉnh nhà phát triển theo nhu cầu cũng như đặc điểm riêng của địa phương...”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn