Kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm

Cập nhật ngày: 30/09/2015 05:18:07

Với mục tiêu vừa kiểm tra vừa nhắc nhở, việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), xử lý nghiêm các vi phạm đã góp phần nâng cao việc chấp hành các quy định về VSATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.

Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về vấn đề đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả quản lý VSATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm... Qua kết quả điều tra, khảo sát với 1.600 đối tượng trong năm 2014 cho thấy, có 81,7% người sản xuất, chế biến và 91% người kinh doanh thực phẩm, 86,4% người quản lý, 63,9% người tiêu dùng tại hộ gia đình có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm (ATTP).

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được Ban chỉ đạo chú trọng, góp phần ngăn chặn các thực phẩm ô nhiễm lưu thông trên thị trường. Hàng năm, tổ chức thanh, kiểm tra trên 10.000 lượt cơ sở. Trong đó đạt điều kiện VSATTP trung bình từ 80% trở lên.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có bước cải thiện rõ nét. Trên 58% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 20% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP như GAP (VietGAP, GlobalGAP), GMP, HACCP, ISO 9001... Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo ông Lê Tấn Sang - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Bột thực phẩm Tấn Sang, để sản phẩm của Công ty tiếp cận với thị trường một cách bền vững, ngoài yếu tố về chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Chính vì chú trọng những yếu tố đó nên Bột Tấn Sang đã có mặt tại nhiều nơi trên toàn quốc”.

Thời gian qua, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Nhiều khu trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư xây dựng; hệ thống mạng lưới chợ trên được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Công tác VSATTP cũng được các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh thực hiện. Đến cuối năm 2014, trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và trên 87% bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; trên 17% chợ được quy hoạch và kiểm soát...

Ngoài những kết quả đạt được thì công tác kiểm tra VSATTP cũng gặp những khó khăn nhất định. Do kinh phí hạn chế nên công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về VSATTP vẫn chưa tác động mạnh và có hiệu quả cao trong việc làm thay đổi nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa. Số lượng cán bộ chuyên môn làm công tác VSATTP tại các ngành, các tuyến chưa đáp ứng nhu cầu công tác, đặc biệt là trong hoạt động thanh, kiểm tra ATTP. Vẫn còn cơ sở vi phạm quy định về ATTP, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, tự phát, nhiều cơ sở chưa ý thức trong việc thực hiện quy định về VSATTP...

Ông Phạm Minh Quyền - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chia sẻ: “Hiện nay, các nhân viên tại Chi cục đang từng bước được đào tạo nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của công việc. Tuy vậy, tuyến huyện vẫn chưa có người chuyên trách thực hiện, dẫn đến việc kiểm tra quản lý chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra còn khá khiêm tốn so với đòi hỏi của ngành”.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống quản lý về ATTP, thực hiện các quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng đạt hiệu quả cao. Đồng thời, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn