Thị xã Hồng Ngự

Đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp nông thôn

Cập nhật ngày: 28/09/2015 13:08:32

Hiện nay, nhiều người dân, cơ sở sản xuất ở TX.Hồng Ngự đã biết tận dụng lợi thế của địa phương phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống.


Nhờ sản xuất da trăn xuất khẩu, mỗi năm gia đình anh Hải có thu nhập hàng tỷ đồng

Xuất khẩu da trăn sang Châu Âu

Là một trong những cơ sở có mặt khá sớm trên địa bàn TX.Hồng Ngự, đến nay sản phẩm da trăn của cơ sở Phúc Tài (phường An Lạc) đã có mặt ở thị trường Châu Âu. Với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, cơ sở Phúc Tài hiện là một trong những đơn vị có doanh thu cao và giải quyết một lượng lớn lao động địa phương.

Anh Lê Văn Hải - chủ cơ sở Phúc Tài (khóm Trà Đư, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự) cho biết, từ việc học hỏi kinh nghiệm của người quen ở TP.Hồ Chí Minh, anh về địa phương mở cơ sở sản xuất da trăn cung cấp cho thị trường xuất khẩu từ năm 1997 đến nay. Để có lượng hàng ổn định, cơ sở thường thu gom số lượng trăn của các đầu mối trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sơ chế khoảng 4.000 - 5.000 mét da trăn (tương đương 2.000 con trăn) để giao cho đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh xuất khẩu.

Về kĩ thuật lột da trăn, anh cho biết, khi lấy da, thợ lột phải cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, nhẹ nhàng và thành thạo, chính xác. Lột xong phải có người căng da trên tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Da trăn khô được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng. Theo hợp đồng, da trăn được chia làm 3 loại tùy theo kích cỡ. “Những năm trước đây xuất khẩu da trăn rất ổn định, nhưng từ đầu tháng 5 âm lịch đến nay do thị trường không thuận lợi nên lượng hàng tồn còn nhiều. Hiện cơ sở cũng đang tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm này”, anh Hải nói.

Ngoài việc xuất khẩu da trăn, cơ sở còn bán thịt trăn, mỡ trăn cho các cơ sở làm khô ở Cà Mau và cho người tiêu dùng. Từ việc thu mua, chế biến da trăn xuất khẩu, thu nhập bình quân của gia đình anh lên đến vài chục tỷ đồng/năm.


Sản xuất khô cá lóc, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn

Nước mắm cá linh - đặc sản vùng đầu nguồn

Ra đời từ tháng 3/2015, cơ sở nước mắm cá linh Hồng Ngự (phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự) cũng nhanh chóng chinh phục được thị trường trong và ngoài tỉnh nhờ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay sản phẩm của cơ sở cũng đã có mặt ở các cửa hàng trong tỉnh, với số lượng cung cấp trung bình mỗi tháng trên 600 hộp (mỗi hộp 6 chai).

Anh Dương Phú Xuân - chủ cơ sở nước mắm cá linh Hồng Ngự cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định, hàng năm vào mùa nước nổi, anh Xuân đi thu mua cá linh tại các đáy cá linh đầu nguồn, miệt giáp Campuchia (nơi đây có lượng cá linh đổ về rất lớn), trung bình thu mua khoảng 1.000 tấn/ngày. Hiện trung bình 1 năm, cơ sở sản xuất khoảng 10.000 lít nước mắm cung cấp cho thị trường trong tỉnh.

Theo anh Xuân, sản phẩm “nước mắm cá linh Hồng Ngự” đã được đăng ký nhãn hiệu và đang được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng nhiều hơn, cơ sở cũng chủ động liên hệ, đưa sản phẩm vào các cửa hàng đặc sản và siêu thị Vinafood Đồng Tháp. “Việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị đã tạo cơ hội lớn để sản phẩm địa phương có thể đến được tay người tiêu dùng, tuy số lượng chưa nhiều song đây cũng là một kênh phân phối rất lớn cho các sản phẩm địa phương”, anh Xuân nói.

Tạo việc làm cho người dân địa phương

Không chỉ đa dạng các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, những năm gần đây, việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng đầu nguồn cũng mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nơi đây, đặc biệt là giải quyết được một lượng lớn lao động nông thôn tại chỗ. Cơ sở sản xuất khô cá lóc Út Á (phường An Lạc) là một ví dụ.

Ra đời cách đây 4 năm, đến nay sản phẩm khô cá lóc của cơ sở được rất nhiều người dân trong tỉnh biết đến nhờ hương vị “dễ ăn” và hợp túi tiền. Với mức giá khoảng 130.000 - 150.000 đồng/kg hiện nay cơ sở cung cấp cho thương lái từ các nơi như An Giang, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh... Số lượng cung cấp trung bình trên 300.000kg cá khô, mỗi năm cơ sở giải quyết hàng trăm tấn cá thương phẩm cho địa phương, đồng thời giải quyết một lượng lớn lao động nông thôn nhàn rỗi từ các khâu làm cá. Bà Nguyễn Thị Phương - chủ cơ sở sản xuất khô Út Á cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 9 lao động tham gia các khâu xẻ cá, đánh vảy, phơi khô. Thu nhập bình quân mỗi người dao động từ 80 - 200 ngàn đồng/ngày. Vào những dịp lễ, Tết, lượng lao động cũng như thu nhập của lao động tăng hơn.

Bên cạnh cơ sở chế biến khô Út Á, tại địa bàn phường An Lạc còn nhiều hộ dân sản xuất cá khô với quy mô nhỏ, sản phẩm cung ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng của địa phương. “Qua đánh giá, làng nghề cá khô tuy phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhưng do quy mô các cơ sở còn nhỏ lẻ nên việc xây dựng nhãn hiệu cũng như sản xuất tập trung còn nhiều khó khăn. Do vậy tới đây địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã” - ông Trần Phước Lộc, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng TX.Hồng Ngự cho biết.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn