Ngành hàng xoài - Cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bám sát nhu cầu thị trường

Cập nhật ngày: 30/09/2015 12:23:44

Với tổng diện tích trên 9.300ha, Đồng Tháp đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng xoài. Tuy nhiên, mặt hàng xoài vẫn còn đang rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Đứng trước ngưỡng cửa “hội nhập”, người trồng xoài ở Đồng Tháp thêm nhiều trăn trở trước những thách thức mới về kỹ thuật sản xuất cũng như yêu cầu, “rào cản”từ thị trường.


Vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ đối với ngành hàng xoài

Nông dân lúng túng

Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn nhà vườn trồng xoài đều mong muốn có thị trường tiêu thụ ổn định với giá cả hợp lý, thị trường tiêu thụ ổn định ở đâu, thì nhiều nông dân lại tỏ ra lúng túng. Hiện nay, một thực trạng đang tồn tại là phần lớn nhà vườn vẫn đang rất “tù mù” về cái gọi là thị trường tiêu thụ. Khi không biết được nhu cầu và những đòi hỏi của thị trường, thì người nông dân chỉ sản xuất theo tập quán, sẽ rất khó thoát khỏi tình trạng “tới mùa rớt giá”, bị động, lúng túng trong sản xuất.

Để đáp lại nguyện vọng và sự mong mỏi của nông dân, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn chọn cây xoài là đối tượng ưu tiên phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Để ngành hàng này đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nhiều mô hình canh tác theo kỹ thuật hiện đại được chuyển giao và nhân rộng như: sản xuất xoài an toàn, sản xuất và được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, thực hiện rải vụ xoài theo hướng liên kết vùng... Những mô hình này góp phần giúp nông dân quen dần với những kỹ thuật sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên với những diễn biến mới từ thị trường, dường như mọi khó khăn chỉ đang mới bắt đầu. Các thay đổi về kỹ thuật canh tác, nhận thức và tư duy của người nông dân vẫn còn khá chậm so với yêu cầu đặt ra từ khách hàng. Một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn chưa quen với việc liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, kỹ thuật sản xuất xoài theo hướng an toàn, rải vụ... Đây chính là những rào cản lớn đối với tái cơ cấu ngành hàng xoài.

Cần định hướng, phân khúc thị trường và tổ chức sản xuất

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Thanh Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, phần lớn thị trường tiêu thụ xoài của các vựa ở đây là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và nhiều nhất là thị trường Trung Quốc. Xoài được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc và không yêu cầu khắc khe về các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, miễn sao mẫu mã bắt mắt và thời gian bán tránh được vụ mùa sản xuất xoài ở bản địa thì giá cả ở thị trường này khá ổn.

Chia sẻ về yêu cầu của các nhà nhập khẩu đối với sản phẩm xoài của Việt Nam, ông Phan Quốc Nam - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Long Uyên, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ở mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu và rào cản kỹ thuật khác nhau, vì vậy cần hiểu rõ đối tác cần gì để chúng ta đáp ứng. Mặc dù, một số thị trường triển vọng như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có nhu cầu về sản phẩm xoài. Song để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật của các quốc gia này thì không đơn giản. Hiện tại, so với các nước khác thì Hàn Quốc vẫn còn chính sách “nới lỏng” đối với xoài nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, quốc gia này sẽ sử dụng nhiều rào cản kỹ thuật hơn. Vì vậy, nếu không có bước chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ thì xoài Việt Nam sẽ rất khó xuất sang Hàn Quốc trong thời gian tới”.

Vấn đề trọng tâm hiện nay mà doanh nghiệp lưu ý nhà vườn là dù xuất khẩu xoài tươi hay xoài chế biến thì vẫn phải đảm bảo chất lượng (không còn dư tồn thuốc bảo vệ thực vật).

Hiện nay, thị trường đối với sản phẩm xoài ở Đồng Tháp khá rộng mở, tuy nhiên do người nông dân vẫn chưa nắm rõ “luật chơi” ở từng thị trường nên còn lúng túng trong điều tiết sản xuất hợp lý. Vì vậy, rất cần có vai trò của một “nhạc trưởng” để có những định hướng về sản xuất cũng như thị trường giúp nông dân.

Liên kết, chìa khóa của sự thành công

Hiện nay, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong ngành hàng xoài là cần thực hiện liên kết trong sản xuất. Trong đó, liên kết ngang (nông dân với nông dân) là vấn đề quan trọng tiên quyết nhằm nhưng xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn để gắn kết đầu ra với doanh nghiệp. Khi có vùng nguyên liệu đủ lớn, ngành nông nghiệp sẽ là đơn vị tư vấn hỗ trợ người nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Ông Đoàn Thanh Hiền ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Hiện nay, vườn xoài nhà tôi vẫn đang sản xuất theo quy trình GlobalGAP, tuy nhiên do sản lượng quá nhỏ nên không thể liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Tôi hi vọng các nhà vườn sẽ cùng tương trợ nhau trong việc sản xuất xoài. Tôi nghĩ rằng chỉ có cùng nhau liên kết, sản xuất theo một quy trình để có lượng sản phẩm đủ lớn và chất lượng thì mới có thể đặt vấn đề với doanh nghiệp và xuất khẩu. Chứ theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay thì xoài Đồng Tháp vẫn mãi quẩn quanh ở thị trường nội địa”.

Trong buổi gặp gỡ và trao đổi với nhà vườn huyện Cao Lãnh, ông Phan Quốc Nam bày tỏ: “Công ty đánh giá rất cao chất lượng xoài ở Đồng Tháp, vì vậy Công ty mong muốn ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng. Với nhu cầu mỗi năm sản xuất khoảng 12 ngàn tấn xoài tươi, Công ty Long Uyên hi vọng sẽ liên kết tốt với Đồng Tháp nhằm góp phần tạo được đầu ra ổn định cho nhà vườn”.

Ngoài Công ty Long Uyên, hiện nay một số doanh nghiệp cũng đang đề xuất ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu xoài an toàn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn