Các làng nghề sản xuất ngư cụ vào mùa

Cập nhật ngày: 20/09/2017 10:26:08

ĐTO - Mùa nước năm nay, nương theo con nước về sớm, nhiều làng nghề tại huyện Lai Vung, Lấp Vò tất bật với công việc cung cấp ngư cụ đánh bắt tôm, tép, cá...


Làng nghề đan lưới vào mùa “ăn nên làm ra”

Những ngày này, không khí tại làng nghề đan lọp tép xã Hòa Long (huyện Lai Vung) trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn bao giờ hết. Ông Đặng Văn Ân ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long cho biết: “Năm nay, bà con làng lọp tép tất bật hơn mọi năm vì đơn đặt hàng khá nhiều. Mỗi ngày, nhà tôi giao cho thương lái ít nhất cũng vài trăm đến 1 ngàn cái lọp”.

Vì con nước lũ về sớm, nhu cầu tăng nên giá bán lọp tép cũng tăng lên khoảng 20 - 30% so với năm trước, dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/cái (tùy loại).

Theo nhiều hộ dân đan lọp tép, nhìn chung, giá cả các vật dụng cho sản xuất lọp tép như chì, tre, trúc, dây gân... vẫn giữ mức bình ổn so với năm trước.

Để đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng, các hộ sản xuất kinh doanh mặt hàng lọp tép phải tăng cường sản xuất thêm buổi tối. Bà Phan Thị O ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long cho biết: “Năm nay, mùa kinh doanh lọp tép trở nên nhộn nhịp từ cuối tháng 6 âm lịch. Nghe dự báo con nước về cao hơn, gia đình chuẩn bị mua sắm vật dụng cần thiết từ trước để phục vụ nhu cầu thị trường. Những ngày qua, sức mua sản phẩm lọp tép tăng khoảng 30 - 40% so với năm trước”.

Cũng làm ăn được nhờ theo con nước, nghề uốn lưỡi câu hiện không kém phần nhộn nhịp. Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ngụ ấp Long Thành, xã Hòa Long - sống bằng nguồn thu nhập từ nghề uốn lưỡi câu. Cứ mùa nước nổi về, vợ chồng ông Hùng lại tất bật ngày đêm để hoàn thành các đơn đặt hàng. Ông Hùng cho biết: “Số lượng đặt hàng năm nay tăng hơn năm trước. Nhà chỉ có 2 vợ chồng làm nên phải tranh thủ làm ngày đêm mới kịp giao”. Nghề uốn câu đã gắn bó với gia đình ông Hùng hơn 6 năm qua. Bình quân mỗi ngày vợ chồng ông có thêm thu nhập từ nghề uốn câu khoảng 150.000 - 200.000 đồng.

Còn tại làng nghề đan lưới dọc tuyến Quốc lộ 80 thuộc 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò, không khí hiện cũng khá tấp nập. Qua khảo sát, giá bán các sản phẩm ở làng nghề đan lưới năm nay cao hơn năm trước khoảng 30%. Cụ thể, tại nhiều cơ sở, lưới mùng 60.000 - 69.000 đồng/kg (hàng loại thường); loại lưới cao cấp giá 79.000 đồng/kg; lưới 1 màn loại thường 61.000 - 145.000 đồng/tay; lưới 3 màn từ 95.000 - 200.000 đồng/tay (loại 100m); lú 75.000 - 265.000 đồng/cái; chài từ 260.000 - 450.000 đồng/cái (tùy loại)...

Bà Đặng Thị Luyện - chủ cơ sở sản xuất lưới thuộc ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Tùy vào sự đa dạng về chất lượng cũng như giá cả sản phẩm lưới cá, người tiêu dùng có thể lựa chọn theo túi tiền của mình. Về độ bền, khách hàng có thể yên tâm sử dụng vài tháng. Vì con nước năm nay về sớm nên mỗi ngày cơ sở của tôi bán được từ 70 - 80 sản phẩm các loại”.

Bà Mai Thị Hồng - Chủ cơ sở lưới Dũng Hồng thuộc khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Mùa kinh doanh lưới nhộn nhịp nhất từ cuối tháng 6 âm lịch. Năm nay, nước về nhiều nên cơ sở tôi chủ động sản xuất hàng nhiều hơn khoảng 30% so với năm trước”. Bà Nguyễn Thị Thu Sang - chủ cơ sở chài, lưới thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò tâm sự: “Những ngày qua, sức mua các loại chài, lưới tăng khoảng 40% so với năm ngoái. Vì thị trường tiêu thụ khá nên tôi thuê thêm khoảng 5 lao động cho kịp sản xuất. Gần vào mùa kinh doanh chính nên cơ sở bán được hơn 100 sản phẩm lưới mỗi ngày, có khi nhiều hơn”.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn