Hướng tới sản xuất thông minh trong Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Cập nhật ngày: 15/09/2017 06:36:48

ĐTO - Chiều 13/9, tại UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An tham dự hội nghị góp ý Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).


Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đóng góp Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn - Trường Đại học Cần Thơ trình bày 5 chương trình trọng tâm của Đề án: sản phẩm - chuỗi giá trị - quảng bá, thương hiệu và bố trí sản xuất; phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; phát triển cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện, giao thông); cơ chế tổ chức, chính sách điều phối và kêu gọi đầu tư tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất cải tiến chuỗi giá trị các sản phẩm thế mạnh các tỉnh (lúa gạo, xoài, cá tra, thanh long và dứa), định hướng phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước. Đối với phát triển du lịch sinh thái tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Đề án hướng đến sự khác biệt dựa trên những tài nguyên sẵn có. Đồng thời kết nối du lịch sinh thái với các khu vực bảo tồn và đa dạng sinh học. Đơn cử như Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển Khu di tích Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim với hình ảnh và ẩm thực chủ đạo là cây sen.

Trong phát triển cơ sở hạ tầng, đề án thực hiện xây dựng công trình ngăn mặn trữ nước ngọt, cơ chế phân bổ nguồn nước tiểu vùng Đồng Tháp Mười; xây dựng nâng cấp các trạm biến áp 110/22kV, tuyến trục trung thế 22kV; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy các địa phương. Thực hiện các chương trình của Đề án từ các nguồn lực Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và xã hội, các tổ chức quốc tế.

Góp ý cho Đề án, việc kết nối hạ tầng giao thông 3 tỉnh, các đại biểu cho rằng, cần có sự thống nhất về quy mô, tiến độ, nguồn vốn thực hiện giữa các bên.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn cần đánh giá thực trạng trong phát triển du lịch tiểu vùng, nhu cầu của thị trường, để từ đó xây dựng dịch vụ du lịch phù hợp. Trong liên kết sản xuất, đơn vị tư vấn cần thông tin sâu hơn những điểm yếu và đưa ra giải pháp đối với các sản phẩm chủ lực như chất lượng giống cây trồng, khâu chế biến, kỹ thuật canh tác, sự đồng hành của doanh nghiệp...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung vào Đề án việc áp dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp hướng tới sản xuất thông minh; công nghệ sau thu hoạch; khai thác giá trị tăng thêm trong sản xuất...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án được thực hiện theo hướng “mở”, nội dung sẽ được các bên thống nhất thay đổi theo tình hình thực tế, cơ chế thị trường. Hiện nay, điều tiên quyết là 3 tỉnh đi đến thống nhất các chương trình chính của Đề án, các nội dung chuyên sâu sẽ có những báo cáo chuyên đề phân tích, làm rõ.

Dịp này, lãnh đạo các tỉnh thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức hội thảo để ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười vào ngày 21/9/2017 (tổ chức tại Đồng Tháp). Đồng thời, các bên cũng thống nhất nguồn kinh phí thực hiện xây dựng Đề án từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của 3 tỉnh.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn