Ngôi nhà an toàn, hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ em

Cập nhật ngày: 29/04/2016 12:44:57

Năm 2013, huyện Tam Nông bắt đầu thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” (NNAT) phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em (TE). Từ thời điểm đó, ý thức bảo vệ trẻ của các gia đình có TE được nâng cao, tình hình TNTT của TE trên địa bàn huyện được kéo giảm.


Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Minh được rào chắn xung quanh an toàn hơn cho trẻ

Mục tiêu chung của mô hình NNAT là nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc phòng ngừa TNTT cho TE. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiềm chế, kéo giảm TE tử vong do đuối nước (chủ yếu TE dưới 6 tuổi). Triển khai thực hiện mô hình, huyện chọn xã Phú Thành A làm điểm. Tham gia xây dựng NNAT, các gia đình có TE phải đăng ký thực hiện các tiêu chí như: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay TE. Đây được xem là tiêu chí gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên được chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, cán bộ xã tổ chức tuyên truyền theo định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề; trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng; lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể; buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học;...

Tại xã Phú Cường - đơn vị bắt đầu thực hiện NNAT năm 2015 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều gia đình có TE đồng tình hưởng ứng. Qua tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của TNTT đối với sức khỏe, đặc biệt là tai nạn đuối nước dễ dẫn đến tử vong cho TE, nhận thức người dân ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, xã còn tổ chức các điểm giữ TE mùa lũ và thực hiện phổ cập bơi cho TE... Từ đó, các bậc phụ huynh có những biện pháp bảo vệ an toàn cho TE như: làm hàng rào quanh nhà, cử người lớn trông trẻ thường xuyên, các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa,... phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp A, xã Phú Cường có 3 cháu nhỏ. Do hoàn cảnh khó khăn nên cha, mẹ các cháu thường xuyên đi làm, ít thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Thấy xã vận động xây dựng NNAT, ông Minh đồng tình đăng ký tham gia. “Qua hướng dẫn của xã, gia đình tôi biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn cho trẻ, đặc biệt là phòng, chống điện giật, cháy nổ... Tôi thấy việc xây dựng NNAT rất phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhà có hàng rào xung quanh hạn chế việc trẻ đi ra đường nên tránh được các tai nạn giao thông, việc trông giữ trẻ cũng nhẹ và đảm bảo an toàn hơn...” - ông Minh chia sẻ.

Ông Võ Văn Rọi - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường nhận xét: “Nhờ thực hiện NNAT, cả năm 2015, toàn xã chỉ xảy ra 1 trường hợp TE bị té ngã, không có trường hợp TE chết do đuối nước, một số loại TNTT khác như: bỏng, điện giật,... cũng không xảy ra. Qua bình xét NNAT cuối năm, có 715/873 hộ đăng ký đạt 33/33 tiêu chí NNAT, đạt 81,9%, vượt chỉ tiêu đề ra”.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, thực hiện mô hình NNAT cho TE, mỗi năm huyện chọn 1 xã, thị trấn để triển khai, nhân rộng. Đến nay, toàn huyện đã duy trì được các địa bàn xây dựng NNAT là Phú Thành A, Phú Thọ, Phú Cường với 9.033 hộ đăng ký, đạt 30% dân số toàn huyện. Năm 2016 này, bên cạnh việc duy trì hoạt động của các xã trên, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này đến xã Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim (tỉnh hỗ trợ kinh phí).

Với mô hình NNAT được chú trọng thực hiện, số TE bị TNTT của huyện Tam Nông được kéo giảm đáng kể qua từng năm. Nếu như năm 2012, toàn huyện xảy ra 184 trường hợp TNTT ở TE thì cuối năm 2015, con số này giảm còn 84 vụ. Trong đó, một số tai nạn như: bỏng, súc vật cắn hay điện giật không xảy ra.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn