Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được đẩy lùi

Cập nhật ngày: 30/12/2013 05:44:02

Trong năm 2013, toàn tỉnh ghi nhận 11 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được loại trừ, hoàn toàn không có ca mắc mới gồm: bệnh tả, dịch hạch, viêm não virus, viêm màng não mô cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, sởi, Rubella, than và xoắn khuẩn vàng da.

11 tháng năm nay, số ca mắc mới của 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch khác đã giảm đáng kể cả về số mắc và chết so với cùng kỳ năm trước như: bệnh sốt xuất huyết Dengue số ca mắc là 1.096, cùng kỳ năm 2012 là 4.641 ca (giảm 76,4%); các bệnh khác như quai bị, sốt rét, lỵ Amip, tay chân miệng, thủy đậu, cúm, thương hàn - phó thương hàn, uốn ván và tiêu chảy đều có tỷ lệ giảm từ 14,3% đến 67,2%, trong số các bệnh này có 8 bệnh không ghi nhận trường hợp tử vong.

Ngành y tế tỉnh cũng đã khống chế thành công, không để bất kỳ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào bùng phát thành dịch. Một số bệnh khác mặc dù tỷ lệ mắc cao hơn năm trước, gồm bệnh viêm gan virus A, B, C, D, E; lỵ trực trùng, đau mắt đỏ nhưng đã được kiểm soát tốt. Công tác giám sát bệnh bại liệt cũng được chú trọng. Trong năm ngành đã tầm soát 29 trường hợp liệt mềm cấp nghi bại liệt, vượt xa chỉ tiêu (1/100.000 trẻ dưới 15 tuổi) mà Trung ương đề ra. Kết quả xét nghiệm cho thấy tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng (YTDP) Đồng Tháp, công tác phòng, chống dịch đạt được kết quả khả quan là nhờ sự nỗ lực hết mình của cán bộ, viên chức ngành y tế (cả khối điều trị lẫn dự phòng) và sự phối hợp liên ngành với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tỉnh đã phát huy tác dụng trong việc khống chế và loại trừ thành công các bệnh lây từ động vật sang người, đặc biệt là bệnh cúm A/H5N1 và H1N1.

Ngay từ đầu năm 2013, Trung tâm YTDP tỉnh đã lên kế hoạch chi tiết, triển khai xuyên suốt tất cả hoạt động trong kế hoạch để công tác phòng, chống dịch được diễn ra chủ động và kịp thời. Cụ thể, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thú y trong trao đổi thông tin về tình hình bệnh trên động vật có thể lây truyền sang người (như cúm A, bệnh liên cầu lợn, dại,...) để phát hiện sớm và xử lý triệt để; tiến hành kiểm dịch biên giới, theo dõi tình hình khách nhập cảnh qua đường cửa khẩu vào tỉnh từ vùng có dịch cúm A/H5N1, dịch tả hoặc dịch bệnh mới xảy ra trên thế giới như cúm A/H7N9, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào tỉnh; phối hợp với Trung tâm truyền Thông giáo dục sức khỏe tuyên truyền; huy động các ban, ngành, đoàn thể, quân y tham gia tuyên truyền và phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, công tác thông tin báo cáo, phối hợp với hệ điều trị kịp thời; củng cố hệ thống giám sát chặt chẽ và báo cáo dịch từ tỉnh đến tận xã; tuân thủ chế độ báo cáo ngày, tuần, tháng đối với 28 bệnh truyền nhiễm và những bệnh dịch mới phát sinh trong vòng 48 giờ theo qui định; tổ chức nghiêm túc chế độ trực dịch, báo cáo các cấp và duy trì tỉ lệ xử lý ca tản phát và ổ dịch theo quy định; giám sát thường xuyên tình hình dịch tễ, côn trùng kịp thời cảnh báo, nhắc nhở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh có nguy cơ dịch nhằm giúp địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống theo qui định, không để dịch bùng phát; phối hợp với hệ điều trị thực hiện tốt các chỉ tiêu chẩn đoán, xét nghiệm, phát hiện và điều trị kịp thời theo qui định, dự báo kịp thời tình hình dịch bệnh trong tỉnh; thường xuyên kết hợp với tuyến trên (Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng...) trong điều tra, giám sát dịch bệnh.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn