Những trở ngại trong thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Lai Vung

Cập nhật ngày: 09/12/2013 04:29:04

Bước đầu, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS) ở huyện Lai Vung đạt kết quả phấn khởi. Trong năm 2013, toàn huyện có 326/1.808 thai phụ thực hiện SLTS, chiếm 22,65% số phụ nữ có thai (kế hoạch 18% số phụ nữ mang thai được SLTS); có 424/1.808 trẻ sơ sinh được khám sàng lọc, chiếm 29,46% trẻ sơ sinh (kế hoạch là 24,3%).

Được tuyên truyền về lợi ích của việc khám SLTT và SS, nhiều người dân đã tự nguyện khám SLTT và SS. Chị Tống Thị Thu Thủy ở ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương cho biết: “Bây giờ mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con nên mình phải SLTS xem em bé có khỏe mạnh hay không, để có biện pháp can thiệp. Còn sau sinh thì cũng phải sàng lọc, nếu có vấn đề gì thì điều trị sớm để bé phát triển bình thường như bao trẻ khác”.

Tuy nhiên, số phụ nữ mang thai và trẻ mới sinh ra chưa thực hiện sàng lọc còn chiếm tỷ lệ cao. Do nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của SLTS và SS còn hạn chế, thêm vào đó nhiều thai phụ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên còn ngán ngại tốn chi phí (khoảng hơn 400 ngàn đồng/ca) cho việc khám SLTS.

Long Thắng là xã vùng sâu của huyện Lai Vung, nhiều người dân nơi đây còn quan niệm bệnh, tật là do di truyền nên nếu ông bà, cha mẹ khỏe mạnh thì sinh con cũng khỏe mạnh, không cần phải khám SLTS. Điều này khiến cho công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện SLTS và SS của xã đạt thấp. Theo thống kê, số bà mẹ mang thai năm 2013 của xã là 172 người, nhưng chỉ có 4 người thực hiện SLTS, chiếm 3,2% và trẻ sơ sinh được sàng lọc là 19 trẻ, chiếm 15,57% trẻ sơ sinh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Long Thắng cho biết: “Tôi thấy một số người dân chưa ý thức được lợi ích của SLTS và SS. Một số gia đình ở nông thôn bận rộn việc đồng áng và người dân còn chủ quan, cho rằng lúc trước sinh dễ quá nên đi khám thai định kỳ, biết thai bình thường không đi khám sàng lọc nữa”.

Hiện nay, mỗi ca khám SLTS tại huyện Lai Vung tốn khoảng 400 ngàn đồng, đối với các trường hợp thai phụ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, trẻ bị bỏ rơi thì việc khám SLTS hoàn toàn được miễn phí.

Bà Lê Thị Vân Thanh - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lai Vung cho biết: “Trong thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện sẽ phối hợp với các trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình SLTS và SS; tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về SLTS và SS cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở để thực hiện tốt hơn chương trình SLTS và SS”.

Phúc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn