Phụ nữ Tháp Mười nâng cao nhận thức trong thực hiện gia đình ít con

Cập nhật ngày: 23/12/2013 04:59:01

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhận thức của hầu hết phụ nữ vùng nông thôn của huyện Tháp Mười đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng gia đình ít con để tập trung nuôi dạy con tốt và phát triển kinh tế gia đình.

Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) “Không sinh con thứ 3”, các cặp vợ chồng trên địa bàn huyện được cập nhật và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, nuôi con khỏe, dạy con ngoan... từ đó áp dụng, trao đổi kinh nghiệm, vận động các gia đình khác trên địa bàn thực hiện tốt KHHGĐ. Tỷ lệ người không sinh con thứ 3 của huyện cũng giảm theo từng năm. Năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện là 8,9%, năm 2011 là 3,91%, năm 2012 là 3,7%.

Chị Trần Thị Khuôn, ở ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết, chỉ dừng lại ở 2 con thì kinh tế gia đình mới phát triển, có thời gian chăm sóc nuôi dạy con tốt. Chị Trần Kiều Trang ở ấp 2, xã Láng Biển, sau khi sinh đứa con thứ 2, đã quyết định áp dụng biện pháp tránh thai, không sinh con thêm nữa, dù vợ chồng chị có 2 con đều là gái.

Ngoài tổ chức tuyên truyền thường xuyên và liên tục, ngành dân số huyện Tháp Mười còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tổ, họp nhóm... góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông. Qua đó, đa phần chị em nông thôn có những chuyển biến rõ rệt trong việc lựa chọn thực hiện các biện pháp tranh thai hiện đại, xóa bỏ được tâm lý e ngại khi tiếp cận các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động của ngành dân số địa phương.

Bác sĩ Võ Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tháp Mười cho biết: “Thời gian qua, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức và nhiều phương tiện hiện đại nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác DS-KHHGĐ. Ngoài ra, Trung tâm DS-KHHGĐ còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì và thành lập mới các CLB về dân số, tạo điều kiện tốt cho các đối tượng tham gia sinh hoạt, nâng cao hiểu biết, triển khai nhiều mô hình điểm truyền thông tư vấn tại các xã, thị trấn nhằm giúp các đối tượng tìm hiểu về các biện pháp tránh thai hiện đại để lựa chọn biện pháp tranh thai thích hợp”.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, ngành dân số huyện tập trung vào công tác truyền thông với nội dung: như: xác định rõ đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng khu vực, xây dựng và hoàn thiện nội dung truyền thông cho phù hợp trình độ, phong tục, tập quán của người dân để chị em phụ nữ nông thôn ngày càng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sinh ít con, nuôi dạy cho tốt, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Minh Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn