Sản xuất VietGAP - nền tảng để xây dựng thương hiệu chanh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 03/07/2015 12:17:17

Thời gian gần đây, nông dân trồng chanh của huyện Cao Lãnh và Châu Thành rất phấn khởi khi sản phẩm thế mạnh của địa phương được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Nhà vườn hi vọng đây sẽ là nền tảng, là bước khởi đầu tốt để sản phẩm chanh của địa phương tiến xa hơn trong tương lai.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu tham quan thực tế mô hình sản xuất chanh VietGAP ở xã An Hiệp

Hiện nay, phần lớn nhà vườn trồng chanh ở Đồng Tháp đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Do chưa có “giấy thông hành” hợp lệ nên hầu như sản phẩm chanh tại các địa phương chỉ được tiêu thụ được ở thị trường nội địa, qua kênh phân phối thương lái hoặc tại các chợ đầu mối. Sản phẩm chanh gần như chưa tiếp cận được các kênh phân phối lớn như: siêu thị, trung tâm thương mại. Điều này cũng dẫn đến một hạn chế cứ lặp đi lặp lại mỗi năm, cụ thể là vào đầu mùa mưa (vụ thuận) giá chanh lại “rẻ bèo” do chanh dội hàng. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác còn hạn chế của một số nhà vườn nên trong quá trình xử lý cho chanh ra trái mùa nghịch, nhà vườn sử dụng một số liệu pháp kích thích khiến cho cây mất sức và rút ngắn tuổi thọ, từ đó hiệu quả kinh tế từ cây chanh mang lại chưa cao.

Ông Nguyễn Công Sơn -  Trưởng Trạm Khuyến nông và Khuyến Ngư huyện Cao Lãnh cho biết: “Mô hình sản xuất chanh theo hướng VietGAP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với địa phương. Thông qua mô hình này, người trồng chanh hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn VietGAP, xu hướng tiêu dùng của thị trường... để từ đó nông dân sản xuất ra những sản phẩm giá cả cạnh tranh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng... Cũng từ mô hình này, nhà vườn còn được các nhà khoa học chuyển giao một số quy trình về quản lý dịch bệnh trên cây chanh, kỹ thuật cho chanh ra trái nghịch vụ... giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chanh Tân Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành chia sẻ: “Với diện tích trên 20ha, trung bình mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn chanh. Tuy nhiên, hiện nay HTX đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, phần lớn sản phẩm chanh của xã viên được tiêu thụ qua kênh phân phối thương lái, do đó giá cả thường không ổn định. Thực hiện mô hình sản xuất chanh theo hướng VietGAP, bà con xã viên hi vọng đây sẽ là nền tảng để sản phẩm chanh của HTX được tiêu thụ ổn định hơn, là cơ hội để chanh của HTX vươn xa hơn trong thời gian tới”.

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, chanh ở Đồng Tháp được trồng nhiều và khá tập trung, đây là lợi thế để địa phương tổ chức sản xuất, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, để sản phẩm chanh VietGAP phát huy thế mạnh, Ban Giám đốc ở 2 HTX chanh cần năng động hơn nữa trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Đối với nhà vườn, cần duy trì và đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP để giữ vững thương hiệu, nông dân cần năng động hơn, chung tay cùng với HTX xây dựng hình ảnh và thương hiệu chanh tại địa phương...

Lãnh đạo ngành nông nghiệp của huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh cho biết: “Sau mô hình thực hiện thí điểm này, địa phương sẽ tiếp tục cho phát triển, nhân rộng với diện tích lớn hơn. Đồng thời, địa phương sẽ làm đầu mối cho các HTX quảng bá, xúc tiến đối với sản phẩm chanh VietGAP”.

Mỹ Lý

Mô hình VietGAP trên cây chanh triển khai từ tháng 5/2014 và được công nhận đạt chuẩn VietGAP vào tháng 6/2015, Mô hình được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ (do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Giảng viên chính bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông Nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ trực tiếp thực hiện) thực hiện ở địa bàn 2 huyện Cao Lãnh và Châu Thành, trên diện tích 47ha của 75 hộ.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn