Tìm giải pháp khắc phục meo nấm kém chất lượng

Cập nhật ngày: 01/07/2015 11:54:12

Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.

Về kỹ thuật ủ rơm, anh Bực cho biết những hộ trồng nấm nơi đây rất thành thạo, vì hộ nào cũng đã hơn 10 năm làm nghề này. Thời tiết khi thế này, khi thế khác, nhưng đối với những hộ trồng nấm rơm trong nhà, họ chủ động được thời tiết, nhiệt độ, nhưng nấm vẫn có đợt trúng, đợt thất. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở ấp Long Phú, xã Hòa Long cho biết, lo ngại rơm chở từ đồng nước mặn về sẽ làm giảm năng suất, nhưng khi sử dụng rơm đồng tại chỗ cũng bị thất... Từ những yếu tố trên, nhiều hộ trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung cho rằng do meo giống kém chất lượng.

Một ghe rơm trồng được khoảng 1.400m dòng, nếu năng suất đạt khá thì thu hoạch khoảng 1.500kg nấm, lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng; còn thất hái chỉ từ 5-7 trăm ký, số tiền thua lỗ cũng tương đương với số lợi nhuận. Anh Bực cho biết, năm 2014 gia đình anh bị lỗ liên tiếp nhiều vụ, nhiều hộ cùng địa phương cũng thua lỗ. Song, việc nhận dạng meo đạt chất lượng hay không thì nông dân chưa đủ khả năng.

Về vấn đề meo giống, Phòng Nông nghiệp huyện đã đề nghị Chi cục Quản lý nông, lâm, thủy sản tỉnh cho kiểm tra chất lượng các lò meo, nhận thấy một số lò meo phát triển tương đối yếu (đã thông báo để các lò meo điều chỉnh). Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đề nghị kiểm tra liên tục nhiều đợt meo để có kết luận chính xác. Huyện còn thỏa thuận với Công ty DasCo Đồng Tháp để cung ứng meo nấm chất lượng cho nông dân trồng nấm rơm. Hiện tại, công ty đang trình diễn meo nấm đối với 2 hộ trồng nấm rơm trong nhà ở huyện Lai Vung, tuy nhiên đến nay chưa đánh giá được kết quả trình diễn. Sắp tới, huyện tiếp tục tổ chức nhiều điểm trình diễn meo nấm của Công ty DasCo, nếu đạt kết quả sẽ khuyến cáo rộng rãi để nông dân sử dụng.

Hằng năm, nông dân huyện Lai Vung trồng khoảng 1.000ha diện tích nấm rơm, chưa kể những hộ đi nơi khác để thuê đất trồng; sản lượng trung bình mỗi năm từ 6.000 - 10.000 tấn nấm, cung cấp cho thị trường khắp nơi. Mặc dù thời gian qua năng suất trồng nấm bị ảnh hưởng, nhưng do đây là nghề truyền thống, nhiều hộ vẫn theo đuổi nghề, vì vậy mà hàng năm diện tích trồng nấm rơm vẫn không giảm.

Hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà được vài hộ sản xuất và đã đánh giá thành công bước đầu dò chủ động được thời tiết, nhiệt độ, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nâng cao năng suất, hiệu quả. Vì vậy, nếu địa phương giải quyết được khó khăn về tình trạng meo nấm sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả cho đại bộ phận nông dân ở huyện Lai Vung chuyên sống bằng nghề trồng nấm rơm.

Mỹ Thức

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn