Kỳ họp lần thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh

Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khởi sắc

Cập nhật ngày: 03/07/2015 12:08:31

Tại kỳ hợp lần thứ 10, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh đã có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 với nhiều tín hiệu vui.


Lượng khách đến các khu, điểm du lịch của tỉnh tăng cao

Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,82%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 5.249 tỷ đồng (tăng hơn 9% so cùng kỳ), đạt gần 51% kế hoạch năm. Sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tăng khá so với cùng kỳ năm 2014. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều. Một số sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng cao, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 13%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dung tăng trên 15%. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 13%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 56% và chi ngân sách địa phương đạt trên 48% dự toán của năm. Huy động vốn tín dụng tăng gần 11%, dư nợ cho vay tăng trên 14%, nợ xấu giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bán lúa, cá tra có lúc xuống thấp và khó tiêu thụ, gây khó khăn cho nông dân.

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo sự thân thiện, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2014, Đồng Tháp được xếp thứ 2 trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh và liên tiếp trong 5 năm liền xếp trong top 5 của cả nước đã tạo thêm cơ hội phát triển cho những năm sau. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án khác.

Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tốt, tỉnh đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã xây dựng mô hình điểm thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực lúa gạo, xoài, hoa kiểng. UBND tỉnh đã hỗ trợ 50% lãi suất cho một số hộ nông dân và hợp tác xã vay vốn san bằng mặt ruộng và thuê đất để tăng quy mô sản xuất. Ngoài ra, đã xuất hiện một vài mô hình tập trung đất canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, góp phần rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Kết quả đó đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt hơn 3%. Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí, đạt 50% kế hoạch.

Mặc dù gặp một số khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhưng hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh đều tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.768 tỷ đồng (giá 1994), tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2014. Hoạt động thương mại - dịch vụ duy trì phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 31.603 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Giá trị hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu tăng mạnh (tăng gần 19%), tuy nhiên vẫn không bù đắp được giá trị xuất khẩu giảm của một số mặt hàng khác, đã làm cho tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh giảm hơn 5%.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; xây dựng Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp; lập danh mục đầu tư các công trình hạ tầng kết nối các khu du lịch... Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã được thực hiện, lượng khách đến các khu, điểm du lịch tăng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã đón khoảng 1,3 triệu lượt khách (tăng hơn 58%); tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 127 tỷ đồng (tăng 27%). Bên cạnh đó, hoạt động văn hoá - xã hội của tỉnh có bước tiến bộ. Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quốc phòng - an ninh được chú trọng.

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm có một số thuận lợi cơ bản, đặc biệt là các kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục có sức lan toả; nhiều dự án đầu tư sẽ được triển khai nhưng thị trường xuất khẩu nông sản vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Để đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt theo kế hoạch 8%, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện thêm một số nội dung. Cụ thể là chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu để bổ sung giải pháp và thực hiện với quyết tâm cao, góp phần hoàn thành kế hoạch chung của tỉnh; thường xuyên nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn phát sinh; triển khai dự án hợp tác công - tư trong nông nghiệp, dự án phát triển nông nghiệp bền vững, hoàn thành dự án xây dựng chuỗi giá trị hoa kiểng và xoài, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chuỗi giá trị cá tra và lúa gạo...

Thanh Trúc

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn