Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối công tác Thi hành án dân sự, hành chính

Cập nhật ngày: 21/03/2017 06:40:53

ĐTO - Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính (HC) vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đối với Đồng Tháp thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các cấp, ngành THADS ở Đồng Tháp đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác THADS, HC có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án bảo đảm hiệu lực, quyết định được thi hành trên thực tế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Tuy nhiên, cấp ủy, tổ chức đảng có nơi chưa thật sự quan tâm đối với công tác THADS. Người đứng đầu một số cơ quan THADS thiếu chủ động tham mưu, đề xuất; hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo THADS chưa cao; kết quả THADS, HC hàng năm tuy đạt, vượt chỉ tiêu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, chấp hành viên còn hạn chế. Tình trạng cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vi phạm phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các ngành liên quan chưa thường xuyên, có lúc thiếu chặt chẽ.

Để tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác THADS, HC trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ thị các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm, kịp thời các văn bản, chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến công tác THADS, HC. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách và hoạt động tư pháp. Phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật về THADS, HC. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ; giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ thật sự trong sạch, vững mạnh, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội bộ, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, uốn nắn biểu hiện lệch lạc, sách nhiễu và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân sai phạm, tiêu cực xảy ra trong hoạt động thi hành án.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định và tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, người dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan THADS; chủ động tham mưu chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài... nhằm giảm án phải thi hành tồn đọng ở mức thấp nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương. Trong đó, chú trọng biện pháp vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành, đồng thời kiên quyết thi hành đối với những đương sự có điều kiện thi hành nhưng cố tình trốn tránh, chống đối việc thi hành án.

Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan THADS với các đơn vị liên quan trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

HOAN HUYỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn