Bình Tấn - 30 năm, một chặng đường phát triển

Cập nhật ngày: 18/03/2017 06:21:26

ĐTO - Đúng 30 năm trước (ngày 17/3/1987), xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình chính thức được thành lập trên cơ sở tách toàn bộ diện tích ấp Bình Tấn, xã Bình Thành và một phần của xã Tân Mỹ. Suốt 30 năm qua, với sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng sự cố gắng của nhân dân địa phương, xã Bình Tấn không ngừng “thay da đổi thịt”.


Hệ thống giao thông ở xã Bình Tấn (huyện Thanh Bình) ngày càng phát triển

Tính đến nay, đồng chí Nguyễn Thiện Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Tấn đã công tác liên tục tại xã này tròn 30 năm. Hơn ai hết, đồng chí Thanh chứng kiến biết bao thăng trầm, những bước chuyển mình quan trọng của Bình Tấn. Đồng chí Thanh nhớ lại: Những ngày đầu mới thành lập, Bình Tấn là một xã vùng sâu, đất đai hoang hóa, dân cư thưa thớt. Xã chỉ có 92 hộ dân vào sinh sống với 475 nhân khẩu. Trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất lúa một vụ và đánh bắt thủy sản vào mùa lũ, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống tinh thần người dân thiếu thốn, cả xã chỉ có 2 cái ti vi (trắng đen), 1 cái cassette. Cơ sở hạ tầng ban đầu được UBND huyện hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc của UBND xã, trạm y tế, 4 phòng học tại trung tâm xã. Còn điện, nước sạch, chợ, giao thông và thủy lợi chưa được đầu tư. Việc đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân bằng đường thủy là chính.

Ngay từ đầu, địa phương xác định nông nghiệp (cụ thể là cây lúa) là thế mạnh của mình nên có sự quan tâm đầu tư sản xuất. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thể xem là thành tựu nổi bật trong chặng đường xây dựng và phát triển xã Bình Tấn. Đảng bộ, chính quyền xã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích sản xuất và vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Địa phương quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chủ động nguồn nước tưới tiêu. Từ nhiều nguồn vốn, tiến hành nạo vét 20 con kênh, trên 80 đường nước thủy lợi nội đồng, xây dựng trạm bơm điện, cống hở, cống ngầm... Nhờ đó, nhiều diện tích đất hoang hóa, nhiễm phèn được cải tạo. Nếu như năm 1987, xã có khoảng 1.900ha đất sản xuất nông nghiệp thì đến nay đã tăng lên trên 2.600ha. Tổng diện tích gieo trồng cả năm gần 5.400ha, sản lượng lúa ước đạt hơn 36.000 tấn. Ngoài làm lúa, người dân còn luân canh trồng rau màu. Thời điểm năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên 25 triệu đồng, đến nay còn cao hơn.

Từ chỗ hệ thống giao thông gần như là con số 0, với hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, xã Bình Tấn xây dựng được nhiều cây cầu bê tông và lót đan, rải đá chống lầy nhiều tuyến đường, xe ô tô đã đến được UBND xã và 3 ấp; làm 4 tuyến đèn đường với chiều dài gần 10km. Đặc biệt, năm 1995, điện lưới quốc qua đã về tới xã Bình Tấn và đến năm 2000 thì phủ kín toàn xã. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Hiện tỉ lệ hộ dân sử dụng điện hơn 99%. Ông Cao Văn Khoai ở ấp 4, xã Bình Tấn cho biết: “Tôi là dân cố cựu ở địa phương. Suốt mấy chục năm qua, tôi nhận thấy xã Bình Tấn có sự phát triển rõ nét, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi. Giờ làm ruộng khỏe hơn trước. Nước tưới tiêu có trạm bơm điện phục vụ, khâu làm đất và thu hoạch lúa đều bằng máy móc. Đường sá đi lại dễ dàng quanh năm”.

Theo UBND xã Bình Tấn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Các chương trình giáo dục, y tế, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Xã có 1 sân bóng đá, mỗi ấp đều có sân bóng chuyền, thu hút nhân dân tham gia tập luyện thường xuyên. Mạng lưới loa truyền thanh được trang bị và nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu thông tin. Xã có 4 Câu lạc bộ tài tử ở 4 ấp duy trì hoạt động đều đặn. Hiện nay, xã có 4 trường học (từ Mẫu giáo đến THCS); chợ Bình Tấn được xây dựng, mở rộng; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh khá cao. Trung bình hàng năm, xã có từ 90% trở lên hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Trong xây dựng xã nông thôn mới, Bình Tấn đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu đạt 19 tiêu chí vào năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Thiện Thanh phấn khởi cho hay: “Hiện nay, dù sự phát triển của Bình Tấn vẫn chưa bằng nhiều xã khác, nhưng nhìn chung đã khắc phục được những khó khăn trước đây. Giờ làm lúa tăng vụ, tăng năng suất; hệ thống điện, đường, trường, trạm khá phát triển. Chất lượng đời sống người dân có bước nâng lên”. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Bình Tấn đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2, hạng 3; 2 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ... Gần đây, UBND tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Tấn vì có thành tích xuất sắc trong 30 năm xây dựng và phát triển xã nhà.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn