Chuyện xe công

Cập nhật ngày: 13/03/2017 06:35:17

Mấy ngày qua, trên hệ thông tin đại chúng và dư luận xã hội sôi nổi chuyện khoán xe công cho lãnh đạo, Tư tôi cũng rất đồng tình với nhiều ý kiến, song cũng còn băn khoăn về những kẽ hở.

Ở các cơ quan Trung ương, Tư tôi không với tới nên miễn lạm bàn. Ở cấp tỉnh chỉ có một quan đầu tỉnh được cấp xe đưa đón từ nhà tới nơi làm việc và trở về, là chẳng có gì đáng nói. Thực tế mỗi ban, ngành, huyện, thị... đều có ít nhất vài ba chiếc xe mang bảng số xanh. Có nơi dành chiếc này cho thủ trưởng, các chiếc kia cho các thủ phó dùng chúng đi công vụ. Phải công nhận lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị thường ngày đi làm việc đều dùng xe hai bánh, chỉ trừ đi họp xa mới dùng xe 4 bánh. Đó là việc làm quá tốt.

Chỗ Tư tôi muốn nói là ở vài cạnh khía khác.

Trước hết là về nhận thức và tư tưởng. Khi lãnh đạo mà đi xe xịn tỷ đồng, thì tự mình tách biệt mình ra xa đồng đội, đồng chí và đồng bào, khi trong tỉnh, trong huyện mình còn những gia đình nghèo, cần vài ba mươi triệu đồng để có ngôi nhà tình thương kín nắng kín mưa, cần mươi triệu đồng làm vốn xóa nghèo, trẻ cần mươi triệu để đi học tiếp và những người bệnh nặng cần có tiền để chữa trị... Nếu lấy tấm gương đạo đức Bác Hồ ra để học tập và làm theo thì thấy việc đó... đậu hay rớt! Cũng ở cạnh khía tư tưởng: Cùng là Ủy viên Ban Thường vụ, mà xe ông này xịn hơn xe ông kia, không ai dám thố lộ ra lời nhưng trong thâm tâm vẫn ray rứt chuyện hơn thua nhau. Nhớ thời chiến tranh, lội bộ thì ai cũng như nhau, xuống xuồng thì cùng bơi, ăn cơm cùng một nồi. Nay, không khéo lãnh đạo tách xa đồng đội, đồng chí của mình!

Nếu khoán xe công chỉ vì tiết kiệm thì quả còn quá nhiều kẽ hở. Tư tôi đã từng chứng kiến đám cưới con một quan cấp tỉnh, người đồng cấp của mình ở các tỉnh bạn được mời tới dự. Toàn là xe bảng số xanh. Lãnh đạo các huyện, thị trong tỉnh được mời tới, cũng là xe bảng số xanh. Chi phí xăng xe, qua phà... chắc chắn không thể bằng tiền túi cá nhân. Lãng phí giữa công và tư này, ít ai để ý đến. Đó là chưa nói tới lấy xe công để dùng vào việc riêng, việc gia đình. Phải chăng vì nễ nang, chẳng ai muốn động chạm đến làm gì cho mích lòng, chuyện của Nhà nước mà, để Nhà nước lo.

Bớt đầu xe (nhứt là xe đắt giá), tất nhiên bớt người lái, bớt xài xăng dầu, bớt chi phí bảo trì, sửa chữa xe... tất nhiên dẫn đến tiết kiệm ngân sách. Và quan trọng hơn là lãnh đạo gần dân, hòa mình hiểu dân hơn và tất nhiên được dân tín nhiệm, thương yêu hơn!

Tư Rèn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn