Một tấm gương sáng

Cập nhật ngày: 02/10/2019 15:45:56

Đám tang Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã qua. Ông đã thành người thiên cổ. Song tấm gương sáng về cuộc đời ông vẫn soi mãi mãi...

Chuyện ông đi bộ đội năm 17 tuổi, học 7 ngày lên 7 lớp, học lái máy bay chiến đấu Mig 17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ... nhiều người biết, báo chí, đài phát thanh, truyền hình nói nhiều. Ở đây tôi chỉ nói từ lúc ông về hưu và sau ngày ông qua đời.

Rất nhiều người – trong đó có tôi – nhiều lần tiếp xúc, nghe ông kể chuyện nhưng không bao giờ nghe ông nói ông đã làm gì, giữ những nhiệm vụ gì, chức vụ gì sau khi Bác Hồ quý ông không để ông lái máy bay chiến đấu nữa, cho đến giải phóng và từ đó cho đến lúc về hưu. Những lần ông kể chuyện chiến đấu với bộ đội, các cháu thanh niên, học sinh... cái đọng lại trong lòng người nghe là lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, sự tự tin, gan dạ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm.

Đám tang ông rất nhiều lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, thành phố, các tỉnh bạn đến viếng, chia buồn cùng tang quyến. Khi linh cửu của ông được đưa về huyện nhà Lai Vung cũng không lúc nào ngớt các đoàn khách, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các cháu học sinh, bà con lối xóm của ông... đến viếng, thương tiếc, thành kính trước linh cửu của ông. Khi đưa tang, trên con đường dài hai cây số, bà con đứng hai bên đường, nhiều người nâng di ảnh của ông lên ngực, ngậm ngùi tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Có người từ lòng kính trọng ông đã dõng dạc nói: Cả nước có lễ tang ông Giáp. Tỉnh mình có lễ tang ông Bảy. Đó là ý kiến chủ quan có thể cường điệu. Song sự thật là ông mất để lại lòng thương yêu, quý mến, kính trọng trong nhiều người.

Bà con quý trọng ông Bảy không chỉ về ông là Anh hùng đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ... mà còn ở mặt khác lớn hơn không kém là cuộc sống đời thường sau khi ông đã về hưu tại quê nhà.

Với cương vị và công lao của ông, ông có thể đòi hỏi Nhà nước cấp nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, sống an nhàn nơi thành thị đầy đủ tiện  nghi sinh hoạt như nhiều cán bộ khác. Nhưng không, ông trở về quê, với mái nhà đơn sơ, khi quê ông lúc đó chỉ có đường đất, chưa có điện, chưa có nước sạch. Ông gắn bó với bà con nông dân xung quanh, tới lui uống trà, cà phê, rượu đế, nói chuyện làm ăn, chuyện xóm làng... Rồi với cái choàng tắm bịt đầu, mặc bộ đồ dân dã, đi chân đất, lúc lội bộ, lúc chống xuồng, ông ra đồng làm lúa, trồng sen, nuôi cá, đặt dớn bắt cá, trồng cây ăn trái... đúng nghĩa, đúng tính cách một nông dân thực thụ.

Rồi với tấm lòng yêu quê hương, ông vận động để có con đường nhựa, có điện lưới Quốc gia, có nước sạch về với xóm ấp, nâng cao đời sống từng nhà. Bà con nhớ ơn ông Bảy.

Cái cốt cách chân quê từ lúc nhỏ, nay đã nghỉ hưu ông vẫn giữ y. Nhìn ông rõ là một nông dân thứ thiệt, mấy ai biết đó là một phi công từng ngang dọc trên bầu trời, từng bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ chỉ với chiếc Mig 17 xưa cũ, từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Quen thân với mọi người, với các cháu thiếu nhi là ông Bảy để râu dài, vui tính, hay cười, bông đùa, hay lam hay làm...

Chính cuộc sống giản dị, chân tình, gần gũi với bà con, không tính thiệt hơn, so sánh, đua đòi hưởng thụ vật chất, hòa đồng trong mọi người, không bao giờ lấy danh hiệu Anh hùng, là phi công từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ để tự tâng bốc ta đây là trên mọi người, bắt mọi người phải ngẩng mặt nhìn lên, tôn sùng...

Ông xứng đáng là người cháu đức độ của Bác Hồ, sống theo gương Bác và vì vậy mãi mãi sống trong lòng người, trường tồn cùng cỏ cây, sông núi Việt Nam...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn