Đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa: việc không của riêng ai

Cập nhật ngày: 22/02/2017 06:50:37

Từ khi ra đời, Đảng ta luôn cảnh giác, chủ động khắc phục những thách thức, nguy cơ, trước nhất từ trong nội bộ Đảng.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (01/1994) nêu 4 nguy cơ: tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác, âm mưu và hành động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch.

Các nghị quyết Đại hội và Hội nghị Trung ương về công tác xây dựng Đảng sau này, Đảng tiếp tục nêu 4 nguy cơ, trong đó nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và nạn tham nhũng được đặc biệt quan tâm, nội dung cụ thể, sâu sắc, như Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Với nhiều chủ trương, giải pháp, công tác xây dựng Đảng thời gian qua đã tạo được những chuyển biến tích cực. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được một số kết quả.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm, trong đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nghị quyết 4 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” càng cho thấy quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.

Với 27 biểu hiện cụ thể được nêu trong Nghị quyết 4, sẽ dễ hơn khi nhận diện sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, nếu đối với những biểu hiện như không chấp hành tổ chức của Đảng, không gương mẫu trong công tác, không dám nhận khuyết điểm, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đánh bạc, rượu chè bê tha... rất dễ nhận diện thì những diễn biến về tư tưởng nhưng chưa biểu hiện thành hành động hoặc bằng thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu như lợi dụng đấu tranh xây dựng nội bộ, nhân danh giữ nghiêm kỷ luật Đảng, dùng chiêu trò ném đá giấu tay... để bôi nhọ, trù dập những người không cùng phe phái, có khả năng tiến bộ hơn mình, chạy chọt để ngoi lên vị trí cao hơn... thì việc đấu tranh, xử lý không hề đơn giản.

Lịch sử nhiều triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy khi vua quan không còn đại diện cho quốc gia, dân tộc, chỉ tranh giành quyền lực, ra sức bóc lột dân đen thì sớm muộn cũng bị nhân dân lật đổ hoặc bị ngoại ban có cớ can thiệp, xâm lăng, trở thành bù nhìn.

Ngay trong phần đầu của tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu việc rèn luyện đạo đức của người cách mạng. Trong Di chúc, Bác nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bài học từ lịch sử cùng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chỉ thị 5 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 4 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

Không chỉ tổ chức Đảng mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc cùng với sự giám sát của nhân dân, nhưng yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết là mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, không tự suy thoái, không tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn