Đồng chí Nguyễn Thiện Thanh

Đồng hành cùng sự phát triển của quê hương Bình Tấn

Cập nhật ngày: 17/02/2017 10:30:07

ĐTO - Suốt 30 năm qua, đồng chí Nguyễn Thiện Thanh (SN 1959) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của quê hương Bình Tấn.


Đồng chí Nguyễn Thiện Thanh trên cây cầu mới do đồng chí tham gia vận động xây dựng

Xuất thân từ gia đình nghèo khó nên đồng chí Thanh nghỉ học sớm, phụ giúp cha mẹ. Nhưng với ý chí, quyết tâm của mình, đồng chí tiếp tục học tập nâng cao trình độ sau đó. Từ năm 1982 - 1986, đồng chí Thanh về công tác tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình với vai trò là Trưởng Ban Thống kê, Phó Ban Nông nghiệp xã. Năm 1987, xã Bình Tấn được thành lập trên cơ sở tách toàn bộ diện tích ấp Bình Tấn, xã Bình Thành và một phần của xã Tân Mỹ. Lúc đó, Bình Tấn là xã vùng sâu, đất đai hoang hóa, dân cư thưa thớt. Đồng chí Thanh vẫn chấp nhận vào công tác tại vùng đất mới với nhiệm vụ là Phó Ban rồi Trưởng Ban Nông nghiệp xã Bình Tấn. Đồng chí Thanh nhớ lại: “Khi ấy, kinh tế gia đình tôi khó khăn. Vợ chồng tôi phải làm thêm nghề may quần áo để trang trải cuộc sống. Song, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao”.

Giai đoạn năm 1990 - 2010, đồng chí Thanh làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Bình Tấn và từ năm 2011 đến nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Tấn. “Ngày trước, đời sống người dân xã Bình Tấn rất thiếu thốn, khó khăn. Lúa vẫn là cây trồng chính nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ/năm; năng suất lại thấp. Hệ thống giao thông gần như là con số 0. Ước mong lớn nhất của tôi khi về Bình Tấn làm việc là góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. Trước tiên, chúng tôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp. Tranh thủ vốn đầu tư của cấp trên và người dân đóng góp để nạo vét kênh, mương nhằm rửa phèn, làm lúa tăng vụ” - Đồng chí Nguyễn Thiện Thanh kể.

Nhờ quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi mà nhiều diện tích đất hoang hóa, nhiễm phèn được cải tạo. Nếu như năm 1987, xã có khoảng 1.900ha đất sản xuất nông nghiệp thì đến nay đã tăng lên trên 2.600ha. Địa phương xây dựng các công trình đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Nhiều diện tích lúa sản xuất 3 vụ/năm, điều kiện đi lại của nhân dân đỡ vất vả. Ông Cao Văn Khoai ở ấp 4, xã Bình Tấn cho biết: “Tôi là dân cố cựu ở địa phương. Suốt mấy chục năm qua, tôi nhận thấy ông Thanh là một người lãnh đạo nhiệt tình, rất gần gũi với nhân dân, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi”.

Tính đến nay, đồng chí Thanh gắn bó với quê hương Bình Tấn tròn 30 năm. Những cây cầu, con đường, tuyến đê bao... nơi đây đều ít nhiều có dấu ấn của đồng chí lãnh đạo này. Đồng chí còn trực tiếp tham gia đi vận động kinh phí về xây dựng cầu, đường nông thôn... Hiện nay, hệ thống giao thông của xã phát triển; có 4 trường học (từ Mẫu giáo đến THCS); chợ Bình Tấn được xây dựng, mở rộng; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện khá cao. Trung bình hàng năm, xã có hơn 95% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Trong xây dựng xã nông thôn mới, Bình Tấn đạt 13/19 tiêu chí.

Mấy chục năm cống hiến hết sức mình cho xã Bình Tấn, đồng chí Nguyễn Thiện Thanh đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Đồng chí còn nhận rất nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương và các danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Đồng chí Nguyễn Thiện Thanh tâm sự: “Hiện nay, dù sự phát triển của Bình Tấn vẫn chưa bằng nhiều xã khác. Nhưng nhìn chung khắc phục được những khó khăn trước đây. Giờ, làm lúa tăng vụ, tăng năng suất; hệ thống điện, đường, trường, trạm khá phát triển. Chất lượng đời sống người dân có bước nâng lên. Những mong ước của tôi đã cơ bản thực hiện được. Tuy nhiên, tôi vẫn còn một khát khao mà đến nay vẫn chưa toại nguyện là xây dựng khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi của địa phương”.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn