Kinh nghiệm vượt khó từ những hộ dân thoát nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 23/02/2017 09:26:10

ĐTO - Hàng năm, toàn tỉnh có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn, con giống, cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng,... trong đó có nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Từ thành công của những hộ này cho thấy, sự hỗ trợ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để hộ nghèo chinh phục đích khá, giàu, mà phần lớn là nhờ ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó của người được hỗ trợ.


Ý chí, nghị lực là yếu tố hàng đầu để vươn lên thoát nghèo bền vững

Là hộ nghèo nhất nhì ở xã Hòa Long, huyện Lai vung, năm 2012, vợ chồng anh Phan Thanh Định được chính quyền địa phương giới thiệu vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 2 con bò về nuôi vỗ béo để phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ đó, vợ chồng anh Định chăm chỉ cắt cỏ và học cách chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con bò. Sau 1 năm chăm sóc, xuất chuồng, trừ chi phí gia đình anh lời khoảng 15 triệu đồng. Sau mỗi lần xuất bán, anh dùng tiền lãi để tái đàn, tính đến nay anh Định đã xuất bán 3 đợt (mỗi đợt 2 con). Hiện anh đang nuôi 3 con bò, gần xuất chuồng. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển vốn được hỗ trợ, hàng ngày, ngoài làm 1 công ruộng nhà, vợ chồng anh Định còn đi làm thuê. Những ngày không làm thuê thì vợ chồng đan bội để kiếm thêm thu nhập lo cho 2 con ăn học. Cuối năm 2015, anh Định trả hết tiền vay ngân hàng, đồng thời cất được ngôi nhà kiên cố và tự nguyện xin thoát nghèo.

Nổi tiếng cần cù, chịu khó, gia đình anh Lê Văn Đam ở ấp 1, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh là hộ thoát nghèo đang ăn nên làm ra trong ấp. Trước đây, gia đình anh Đam là hộ nghèo, không có ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê. Tài sản quý nhất của gia đình là căn nhà trống trước, trống sau ở đậu trên đất người bà con. Nghèo nhưng chịu khó, vợ chồng anh làm đủ việc việc như: làm thuê, giăng câu, lưới, hái bông điên điển... để tạo thu nhập cho gia đình. Rồi được Hội Nông dân xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (7 triệu đồng), vợ chồng anh làm hầm nuôi cá lóc. Nhờ chịu khó kiếm nguồn thức ăn tự nhiên để giảm chi phí, vụ cá nào vợ chồng anh cũng lời từ 10 - 15 triệu đồng. Số tiền tích lũy từ nuôi cá lóc, anh Đam thuê ruộng để canh tác. Anh Đam bắt đầu tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức và nghiên cứu thêm trên sách, báo để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng khá hơn, đến nay đã trả hết nợ, mua được 3 công ruộng và thuê thêm 14 công để canh tác. Đất thuê thì anh trồng lúa, đất nhà anh lên liếp trồng ớt. Hiện tại, mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình trên 70 triệu đồng.

Hay ở ấp Nhơn Quới, xã Vĩnh Thạnh có chị Dương Thị Thương chịu thương, chịu khó, thức khuya, dậy sớm, biết tận dụng thời gian, sắp xếp công việc đưa gia đình thoát nghèo trong khi phải lo cho chồng bệnh u não và con gái đang học lớp 10. Chị Thương khởi nghiệp từ nghề cắt tóc nhưng thu nhập không đủ chi tiêu, chính quyền địa phương hỗ trợ chị vay 9 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Để phát triển được nguồn vốn vay vừa không phải bỏ nghề cắt tóc, chị Thương dùng số tiền trên chăn nuôi heo, gà, vịt tại nhà. Gần nhà có lò sấy lúa, chị tranh thủ xin vô làm ca đêm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, chị có tiền lo cho gia đình và còn có tiền tích lũy. Năm 2015, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình chị Thương căn nhà đại đoàn kết 20 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm và phụ giúp của người thân, chị Thương đã xây được căn nhà kiên cố.

Từ thành công của các hộ nghèo nêu trên cho thấy, trước hết bản thân người được hỗ trợ phải biết được những cây, con dễ nuôi, dễ trồng, chắc ăn, lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa tích lũy vốn và kinh nghiệm, có quyết tâm cao, ý chí để vượt qua đói nghèo, chống tâm lý tự ti, ỷ lại, đồng thời phải được bồi dưỡng, tập huấn để có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng của gia đình, môi trường sinh thái tại địa phương,... Trong các yếu tố đó, ý chí, nghị lực vượt nghèo khó vẫn là hàng đầu.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn