Chủ quan với con lăng quăng

Cập nhật ngày: 28/09/2015 05:18:56

Chưa trọn 1 năm, Đồng Tháp đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Nếu người dân tiếp tục chủ quan, các địa phương không vào cuộc phòng, chống một cách mạnh mẽ thì dịch bệnh này sẽ khó kiểm soát, bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.

Từ đầu năm 2015 đến ngày 25/9, cả nước ghi nhận trên 36.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Riêng Đồng Tháp là một trong những địa phương có số ca mắc SXH tăng cao so cùng kỳ năm 2014. Cụ thể từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 9, tỉnh có trên 1.150 trường hợp mắc SXH, tăng trên 130% (tăng gần 700 ca) so với cùng kỳ năm 2014; có 2 trường hợp tử vong, trong khi năm 2014 không có trường hợp tử vong do SXH. Theo Sở Y tế, từ đầu tháng 9/2015 đến nay, trong 10 dịch bệnh nguy hiểm thì có 9 dịch bệnh không mắc hoặc số mắc cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2014, riêng bệnh SXH lại ghi nhận đến trên 270 ca, tăng trên 370% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo ngành y tế, từ tháng 8 đến tháng 11 là thời kỳ cao điểm của dịch SXH. Những ngày gần đây, vào những buổi sáng, chiều, loa truyền thanh tại nhiều huyện, thị, thành trong tỉnh đều có dành thời lượng tuyên truyền SXH đến nhân dân. Thế nhưng, số hộ dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh cũng không ít. Đâu đâu cũng không khó bắt gặp những lu khạp chứa nước mưa, vỏ dừa, vỏ hộp cơm, bụi rậm um tùm quanh nhà vẫn chưa được vệ sinh thì hỏi làm sao không có lăng quăng, muỗi không vào trú ngụ, từ đó phát sinh nhiều muỗi vằn cắn người dẫn đến SXH, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng cả người lớn và trẻ em.

Sự chủ quan không chỉ ở việc phòng ngừa dịch SXH mà ngay cả khi người bệnh có dấu hiệu mắc SXH (sốt cao đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, đau bụng,...) lại tự điều trị tại các phòng khám tư, tự mua thuốc hạ sốt uống, sau đó mới nhập viện thì tình trạng bệnh đã nặng, nguy hiểm đến tiến triển bệnh cũng như tính mạng của người bệnh. Bên cạnh sự chủ quan trong nhận thức và điều trị bệnh, tại không ít địa phương, khi phát động phong trào diệt lăng quăng, diệt muỗi, có nhiều gia đình không hợp tác hoặc vệ sinh phòng, chống muỗi làm cho “có lệ”, sau đợt phát động, người dân lại tiếp tục không chủ động diệt lăng quăng, muỗi bên trong và xung quanh nhà. Thiết nghĩ, công tác tuyên truyền đến người dân cũng cần được nâng cao, đúng đối tượng. Hiện nay, còn không ít người cho rằng SXH là tự nhiên chứ không do muỗi cắn. Do đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm bắt được những nguy cơ, khẳng định rằng không có lăng quăng thì không có SXH.

Bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nếu người dân và những người có trách nhiệm liên quan đến công tác phòng, chống dịch SXH còn chủ quan thì số ca mắc SXH tiếp tục cao trong những tháng tới và có thể ca tử vong không dừng lại ở con số 2.

C.P-Hữu Nghĩa

Bệnh sốt xuất huyết tăng

Trong tháng 9, toàn tỉnh có 273 ca mắc sốt xuất huyết, so với tháng 8 tăng 94 ca; bệnh tay chân miệng có chiều hướng giảm (có 144 ca mắc, không có trường hợp tử vong, giảm 23 ca so với tháng trước). Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ cộng đồng, thời tiết, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì, giám sát ca bệnh tại địa phương, báo cáo dịch khẩn cấp, kiểm soát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, không để dịch lây lan; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội đoàn thể tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến với hộ gia đình;...

Theo Sở Y tế, trong tháng 9, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Hồng Ngự với 3 người mắc, nguyên nhân do các loại vi sinh có trong thức ăn đã qua chế biến, không bảo quản.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn