Chủ động phòng ngừa thiên tai

Cập nhật ngày: 25/09/2015 12:37:36

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu làm lũ lụt và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm diễn biến bất thường, gây thiệt hại về người và tài sản.


Mưa lớn kèm giông lốc gây sập nhà dân

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 cơn mưa lớn kem theo giông lốc, sấm sét làm 4 người chết, 2 người bị thương, sập 48 căn nhà, 229 căn siêu vẹo, 5 phòng học và 1 cơ sở sản xuất kinh doanh bị tốc mái... thiệt hại ước tính trên 5,400 tỷ đồng. Hiện nay, dù lũ ở các huyện đầu nguồn chưa lên cao nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông. Từ đầu năm 2015, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp ở 33 xã, phường, thị trấn của các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, TX.Hồng Ngự, TP.Sa Đéc và TP.Cao Lãnh. Tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở 33,75km, chiều sâu từ 1 - 75m với tổng diện tích 4,1875ha, ước thiệt hại gần 29,198 tỷ đồng. Điển hình là vụ sạt lở bờ sông Tiền tại Tổng kho xăng dầu Trần Quốc Toản vào ngày 5/7 với chiều dài 50m, ăn sâu 5m, làm gãy sập hoàn toàn cầu dẫn chính, cầu cảng chính bị nứt sạt đầu bê tông, ước thiệt hại 12 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, nguyên nhân chính của các vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh là do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn, cộng với việc các cồn cát nổi lên ở lòng sông làm dòng chảy ép sát vào bờ. Sạt lở thường xảy ra ở những khu vực có cù lao và nơi dòng sông phân nhánh (cù lao Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự), khu vực nhập lưu của các nhánh sông (Long Khánh B, huyện Hồng Ngự) hay đoạn sông có luồng lạch không ổn định (khu vực các huyện Thanh Bình, Châu Thành và TP.Cao Lãnh). Ngoài ra, các hoạt động khai thác cát sông, nuôi trồng thủy sản dọc theo các bãi bồi ven sông... cũng ảnh hưởng tình trạng sạt lở cục bộ.

Sau khi giông lốc, sạt lở xảy ra, các địa phương đã vận động người dân, hội đoàn thể hỗ trợ người bị thiệt hại sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 182 hộ có người thân bị sét đánh, thiệt hại nhà do giông lốc, sạt lở với số tiền 688 triệu đồng; di dời 634 hộ trong khu vực sạt lở và 132 hộ vùng ngập lũ vào cụm, tuyến dân cư; duy trì, tổ chức 354 nhóm trẻ cộng đồng, giữ 6.745 cháu, tạo điều kiện cho gia đình yên tâm làm ăn; tổ chức 1.109 lớp dạy bơi cho 27.725 trẻ em từ 7 - 15 tuổi; duy trì 491 đội cứu hộ cứu nạn với 3.163 thành viên, trong đó có 250 chốt cứu hộ cứu nạn xung yếu với 1.595 thành viên; tiếp tục đẩy nhanh thi công 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 phục vụ cho việc tái định cư cho các hộ dân vùng sạt lở.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm diễn biến phức tạp. Do đó cần đề phòng bão, lũ, triều cường, giông mạnh kèm theo tố lốc, sấm sét ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trong tỉnh. Sạt lở bờ sông sẽ tiếp tục xảy ra tại huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại khu vực các xã: Thường Phước 1, Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận A, B (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (TX.Hồng Ngự), Tân Bình, Tân Quới, An Phong, Bình Thành (Thanh Bình), Tân Thuận Đông, Hòa An, Tịnh Thới, phường 11 (TP.Cao Lãnh), Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (Lấp Vò), xã Tân Dương (Lai Vung) và An Hiệp (Châu Thành).

Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu các địa phương huy động nguồn lực trong cộng đồng làm tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ và kinh phí tại chỗ) và yêu cầu “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, đảm bảo tính mạng và tài sản nhân dân; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời qua các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì các đội cứu hộ và nhóm trẻ cộng đồng...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn