Câu chuyện “Mình hơn... mình”

Cập nhật ngày: 28/09/2015 05:50:58

Trong nhiều báo cáo kinh tế - xã hội hay trong các bảng thống kê không khó tìm thấy các cụm từ “tăng x% so với năm trước” hay “tăng y% so với cùng kỳ năm trước”. Và rồi khen thưởng thành tích, rồi vỗ tay hoan nghênh. Đó là tư duy “mình hơn... mình”, kiểu so sánh dọc - “ta so sánh với ta”, “năm sau cao hơn năm trước” - tức là so sánh theo dòng thời gian.

Ngày nay, trong xu hướng liên kết, hội nhập, không nên cứ mãi “trung thành” với kiểu so sánh đó. Bởi vì chúng ta đang ở trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa địa phương này với địa phương khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Nhà triết học duy vật, người được nhân loại xem như là ông Tổ của phép biện chứng - Hê-ra-clít (Héraclite) từng nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Bởi vì, dòng sông đó không phải là một và anh ta cũng không phải là chính mình”.  Điều này có ý nghĩa gì? - Sự vật, hiện tượng từ khai thiên lập địa đến nay luôn không ngừng xoay chuyển. Thế giới này như một dòng chảy, cứ trôi đi, trôi mãi. Khi chúng ta tiến thì thiên hạ cũng tìm mọi phương cách để tiếp tục tiến lên, và nhiều khi họ còn tiến nhanh hơn chúng ta nữa ấy chứ! Nếu chỉ nhìn quanh quẩn trong “sân nhà”, rồi tự bằng lòng, rồi tự “tung hê”, “tự sướng” sẽ chắc chắn là sự thất bại như “con ếch ngồi đáy giếng” trong sự cạnh tranh khốc liệt với thiên hạ.

Chuyển cách “so sánh dọc” sang “so sánh ngang”, so sánh “mình với thiên hạ” thì mới biết mình rõ đang ở đâu trong vòng xoáy của tiến trình phát triển. Có so sánh như vậy, mới thấy đâu là mình vượt trội hơn, đâu là điểm mình tụt hậu hơn, khoảng cách là bao nhiêu. Có so sánh như vậy, để trong mỗi chúng ta luôn đau đáu những câu hỏi: Vì đâu, vì sao, phải làm gì, tại sao cũng cơ chế ấy, chính sách ấy mà người ta mần được nhưng mình mần hổng được?

Khi đặt chỉ tiêu phấn đấu, thường chúng ta hay lấy mục tiêu lọt vào tốp 3 tốp 4 hay đứng đầu trong vùng, trong khu vực, trên bình diện quốc gia. Nhưng nên nhớ rằng, mức phấn đấu đó chỉ là mức hiện tại của họ, và khi mình lọt vào mức đó thì họ đã bứt phá lên một mức khác cao hơn rồi. Và như vậy, mình lại tiếp tục “lẽo đẽo” theo sau lưng thiên hạ trong cuộc chạy tiếp sức trên hành trình về đích.

Khen thưởng là để động viên những cá nhân, tổ chức có thành tích tốt, có sự phấn đấu nổi trội, cũng là cách “nạp thêm năng lượng” để phấn đấu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, việc tự khen nhau nhiều khi lại là cái bẫy tự mình giăng ra và... lọ mọ sụp vào chính cái bẫy đó. Khi báo cáo năng suất, sản lượng năm sau tăng cao hơn năm trước thì phải tự đặt câu hỏi “nhưng mà lợi nhuận của người sản xuất có tăng tương ứng không?”. Khi báo cáo học sinh thi đậu vào đại học năm nay cao hơn năm trước thì cũng phải tìm hiểu xem sinh viên ra trường bao nhiêu có việc làm? bao nhiêu thất nghiệp? Khi báo cáo số doanh nghiệp thành lập mới thì cũng cần phải coi lại có bao nhiêu doanh nghiệp bị phá sản, nguyên nhân là đâu? Khi nhìn vào số liệu khách du lịch tăng thì hãy phân tích doanh thu có tăng tương ứng không, có tiêu thụ được sản phẩm của mình không, bao nhiêu khách đến lần đầu, bao nhiêu quay lại lần thứ hai lần thứ ba? Hãy đặt ra tới cùng những câu hỏi để tìm ra cho được bản chất của vấn đề.

Nhân đây, chúng ta cùng thử bàn đến phương pháp phân tích những con số, những bảng thống kê. Người ta nói rằng, mọi con số đều “biết nói”. Hãy nhìn vào những con số - mà tốt nhất là nên chuyển hóa các con số thành các bảng biểu, đồ thị - rồi cùng ngồi phân tích thấu đáo, thảo luận đến nơi đến chốn, “so sánh dọc”, rồi “so sánh ngang”. Hãy nhìn vào những chỗ lên xuống của đồ thị để phân tích điều gì đã xảy ra, tại sao như vậy? làm cách nào để khắc phục, vươn lên? Hãy hỏi nhiều lần “tại sao” để phát hiện bản chất sâu xa của vấn đề và tìm ra lời giải cuối cùng cho kế hoạch hành động sắp tới!

Một hệ thống tốt là một hệ thống mà trong đó, mọi người biết phân tích yếu tố bên trong lẫn yếu tố bên ngoài, tác động và mối quan hệ biện chứng của các yếu tố. Phải biết nhìn xa, trông rộng - “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là như vậy chăng?

Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn