Quốc hội

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Cập nhật ngày: 22/10/2020 16:07:39

Ngày 22/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Ông Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận dự thảo Luật

Tham dự kỳ họp tại điểm cầu Đồng Tháp, có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh.

Các ĐBQH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung ban hành nghị định mới về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực để có khung phạt tiền phù hợp với từng tính chất vi phạm cho phù hợp thực tế. Không chỉ phạt tiền mà còn bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại như thời gian qua. Xử phạt phải mang tính nghiêm minh của pháp luật để phòng ngừa răn đe không để xảy ra vi phạm.

Theo ông Phạm Văn Hòa, tạm giữ người là biện pháp hạn chế quyền tự do công dân làm ảnh hưởng đến nhiều quyền cơ bản khác, cho nên phải cân nhắc thận trọng, tránh áp dụng tràn lan. Tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình, hay để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp thực tiễn. Vì nếu không tạm giữ đối tượng này có thể sẽ dẫn đến nguy hiểm cho gia đình do hành vi bạo lực của đối tượng; người nghiện ma túy có thể gây nguy hại cho xã hội và sẽ tiếp tục sử dụng, do đó việc tạm giữ đối tượng là hết sức cần thiết.

Các ĐBQH thảo luận, tranh luận nhiều đến nội dung về bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ vi phạm. Có ý kiến cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực đến các thực thể khác không có liên quan đến vi phạm mà lại bị vạ lây là điều không thể chấp nhận.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn