Khánh thành cầu Cao Lãnh - Vận hội mới cho Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 28/05/2018 10:10:18

ĐTO - Cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng lớn thứ 2 thuộc dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông, nối liền địa phận TP.Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mở rộng không gian đô thị vùng đất Cao Lãnh và đánh thức tiềm năng kinh tế vùng đồng bằng rộng lớn.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương phát biểu tại lễ khánh thành cầu Cao Lãnh

Ước vọng trăm năm

Được khởi công xây dựng vào ngày 19/10/2013, sau hơn 4 năm thi công, với trên 1.460 ngày đêm, cầu Cao Lãnh đã hợp long vào ngày 1/9/2017 và chính thức khánh thành vào ngày 27/5/2018. Cầu Cao Lãnh khánh thành và đưa vào khai thác là niềm vui lớn và mong đợi biết bao năm của người dân Đồng Tháp cũng như người dân khu vực ĐBSCL. Bà Nguyễn Thị Vân ngụ ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng đi bộ tập thể dục gần khu vực cầu Cao Lãnh. Sáng xuống đây đi vài vòng rồi đứng ngắm cây cầu. Tôi quan sát từ lúc hai trụ cầu chưa nhú lên rồi từ từ lên cao. Từ khi bắt đầu có 1,2 sợi dây văng, nhịp chính từ từ vươn ra rồi đến lúc hợp long và cho đến hôm nay chiếc cầu đã hoàn thành. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi tỉnh Đồng Tháp có cây cầu lớn và hiện đại như thế này”.

Cùng trong niềm vui khôn xiết như người dân bên bờ Cao Lãnh, phía bên bờ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, bà con cũng không khỏi xúc động khi hôm nay được chứng kiến ngày khánh thành cầu Cao Lãnh. Ông Mai Văn Hòn ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò chia sẻ: Sống ở đây hơn 60 năm, chưa bao giờ tôi nghĩ quê mình có thể xây cây cầu lớn như thế này. Vậy mà bây giờ cầu đã sừng sững kia rồi. Có cầu Cao Lãnh bắc qua sông, người dân Đồng Tháp không phải chịu lụy phà vất vả nữa, hàng nông sản của tỉnh cũng sẽ được vận chuyển thuận tiện hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho người dân quê tôi. Thật sự tôi cảm thấy rất mừng và xúc động”.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sự có mặt của cây cầu không chỉ thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thương với các đối tác chiến lược đến từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp. Ông Lê Minh Thành - Giám đốc Hợp tác xã vận tải thủy bộ TP.Cao Lãnh, là doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải hành khách và hàng hóa tuyến đường từ Đồng Tháp đến Kiên Giang buộc phải qua phà Cao lãnh, khi hay tin cầu Cao Lãnh khánh thành, doanh nghiệp rất vui mừng: “Có cầu rồi việc qua lại thuận tiện, dễ dàng hơn, nên đơn vị dự định sẽ tiếp tục mở thêm tuyến từ Cao Lãnh đi các tỉnh miền Tây, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân”.

Đòn bẩy đánh thức tiềm năng kinh tế vùng ĐBSCL

Cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi, thỏa mãn ước mơ ngàn đời của người dân, doanh nghiệp Đồng Tháp mà cây cầu này cùng với cầu Vàm Cống sẽ kết nối với tuyến lộ N2 (đường Hồ Chí Minh) và tuyến Lộ Tẻ - rạch Sỏi (đang thi công) hình thành 1 trục dọc thứ 2 ở phía Tây quốc lộ 1A từ TP.HCM nối đi các tỉnh Tây Nam bộ, góp phần hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng ĐBSCL phát triển vững mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, lâu nay nhà đầu tư biết đến Đồng Tháp là một tỉnh khuất nẻo, giao thông đi lại khó khăn nhưng khi cầu Cao Lãnh hoàn thành cùng với cầu Vàm Cống sẽ mở ra cơ hội mới để Đồng Tháp chuyển mình. “Tỉnh đang triển khai đầu tư tuyến đường ĐT.852B giai đoạn 2 và các tuyến đường theo quy hoạch kết nối với cầu Cao Lãnh và các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 30 là các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh Đồng Tháp với TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL. Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đồng Tháp thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics, tạo lợi thế cạnh tranh để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nhanh hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng.


Cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: “Năm 2000, cầu Mỹ Thuận với sự viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia được khánh thành. Sự kiện cầu Mỹ Thuận khánh thành cách đây 18 năm là một công trình đem lại tính đột phá rất lớn về khoa học công nghệ, tính hiện đại của hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL. 18 năm qua, với sự tập trung chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai rất nhiều công trình dự án thuộc khu vực ĐBSCL.

Tiêu biểu có cầu Cần Thơ, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường ven biên phía Nam khu vực nối Kiên Giang, Cà Mau và một số đoạn tuyến của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đường N2) trong đó có đoạn kết nối của Củ Chi, TP.HCM với Đồng Tháp. Và, hôm nay Cầu Cao Lãnh cũng là một trong những dự án trọng điểm nằm trên đường Hồ Chí Minh, là trục song hành thứ hai ngoài Quốc lộ 1. Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt vì cơ bản chúng ta đã hoàn thành một dự án lớn, tạo nên một đoạn kết nối của tuyến thứ hai để giảm tải cho Quốc lộ 1 cũng như đường cao tốc từ TP.HCM đi về Cần Thơ đang triển khai. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng cho khu vực vùng ĐBSCL nói chung, vùng Đồng Tháp Mười nói riêng...”.

Phát biểu tuyên bố khánh thành và thông xe cầu Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng chỉ đạo: “Để công trình phát huy tầm quan trọng và hiệu quả, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo, tổ chức, quản lý, khai thác, bảo trì cầu Cao Lãnh đảm bảo an toàn và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng hai bên tuyến đường. Giữ gìn mỹ quan, đảm bảo an ninh, hiện đại, đảm bảo kết nối công trình cầu Cao Lãnh đồng bộ với các công trình hạ tầng khác. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án, người lao động của Phà Cao Lãnh khi công trình đi vào hoạt động”.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành GTVT, các địa phương trong cả nước, sự ủng hộ hợp tác của các nước và các đối tác quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án hạ tầng mới và sớm đưa nhiều công trình giao thông vào khai thác, sử dụng để góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong không khí rộn ràng với niềm tin của nhân dân và lãnh đạo tỉnh về một công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tin rằng khi 2 bờ sông Tiền được nối liền thì đây sẽ là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đất Sen hồng nói riêng cũng như vực dậy kinh tế khu vực ĐBSCL nói chung, giúp vùng đất “chín rồng” hướng tới một tầm vóc lớn hơn, tương xứng với tiềm năng.

Cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013 và được hợp long vào tháng 9/2017. Cầu được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với kinh phí 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng). Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 2,01km và tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống dài 21,45km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.

Phần cầu chính là dây văng hai mặt phẳng, có khẩu độ nhịp chính dài 350m, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150m; chiều cao thông thuyền 37,5m; trụ tháp chữ H cao 123,4m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m. Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m, được thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80km/giờ. Sau hơn 4 năm thi công, cầu Cao Lãnh chính thức khánh thành trong niềm vui và phấn khởi của nhân dân Đồng Tháp và nhân dân vùng ĐBSCL.

Mỹ Nhân-Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn