Hoạt động biên mậu tăng trưởng chưa ổn định

Cập nhật ngày: 05/10/2015 05:32:39

Theo Sở Công Thương, hoạt động biên mậu giữa Đồng Tháp và tỉnh Prâyveng nói riêng và thị trường Campuchia nói chung ngày càng phát triển, từng bước mở rộng giao lưu kinh tế góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và cải thiện đời sống của cư dân biên giới.

Tỉnh Đồng Tháp được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương bán điện cho tỉnh Prâyveng của Vương quốc Campuchia tại cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng và cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Tổng sản lượng điện bán sang Campuchia từ năm 2011-2015 là 124.000 tỷ kWh.

Trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã thành lập các đoàn khảo sát, tìm hiểu thị trường Campuchia. Đồng thời, tổ chức đưa doanh nghiệp của tỉnh Prâyveng đến Đồng Tháp nhằm giới thiệu tiềm năng, đối tác trao đổi mua bán hàng hóa giữa các doanh nhân hai tỉnh. Theo nhận định của Sở Công Thương, đây là bước đệm cho mối giao thương giữa hai tỉnh, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp sang Prâyveng nói riêng và Vương quốc Campuchia nói chung.

Theo số liệu của Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới giai đoạn 2011-2015 đạt gần 560 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 405 triệu USD, nhập khẩu đạt 155 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng gỗ, phân bón, vỏ lãi... Hàng nhập khẩu chủ yếu là: thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng tiêu dùng...

Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng quan hệ buôn bán qua biên giới của tỉnh Đồng Tháp với thị trường Campuchia nói chung vẫn còn hạn chế. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, số lượng và giá trị kim ngạch không nhiều, chủ yếu là hàng tiêu dùng; doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa chính ngạch làm thủ tục tại các cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp chưa nhiều... hàng hóa có giá trị lớn thường là tạm nhập tái xuất. Thực trạng đó dẫn đến hoạt động thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp với Campuchia hằng năm tăng trưởng không ổn định. Cụ thể, năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới đạt 86,7 triệu USD, năm 2013 là 159,2 triệu USD nhưng ước năm 2015 chỉ đạt khoảng 100 triệu USD.

Ngoài ra, Đồng Tháp và Prâyveng là 2 tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong nguồn vốn cũng như kêu gọi đầu tư, phần lớn trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương nên tiến độ đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu còn chậm.

Trong định hướng hợp tác với các tỉnh Campuchia giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác hàng năm giữa với chính quyền tỉnh Prâyveng, tỉnh Banteay Meanchay về an ninh chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội, nhằm giúp các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp mở rộng thị trường và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, tăng thị phần ở thị trường Campuchia, đồng thời bổ sung nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực...

Để khai thác phát triển kinh tế vùng biên giới, Sở Công Thương tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương có chính sách (đặc thù) ưu đãi đầu tư để sớm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam- Campuchia đến năm 2020. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhật khẩu hàng hóa chính ngạch làm thủ tục tại các cửa khẩu của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prâyveng. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ Vương quốc Campuchia nâng cấp cửa khẩu Quốc gia KohRokar tỉnh Prâyveng lên cửa khẩu Quốc tế để tương đồng với cửa khẩu Quốc tế Thường Phước tỉnh Đồng Tháp...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn