Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu

Cập nhật ngày: 29/04/2016 13:02:29

Để nâng cao hiệu quả lợi thế từ những sản phẩm công nghiệp nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Sản phẩm khô của Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp thường xuyên tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh

Theo Trung tâm KC&TVPTCN, giai đoạn 2016 - 2020, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp địa phương phát triển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) xác lập quyền sở hữu thương hiệu. Sự hỗ trợ này nhằm tạo tiền đề để các cơ sở khẳng định chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tạo ra những giá trị vững chắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả và bền vững.

Bà Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm và dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên bao bì hàng hóa nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Song, thương hiệu có thể xem là yếu tố quan trọng biểu trưng cho một doanh nghiệp, là hình ảnh của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng”.

Trong thời hội nhập, vai trò của việc xây dựng phát triển thương hiệu là vô cùng quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời giúp các cơ sở sản xuất hội nhập thành công vào nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước. Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp (huyện Tam Nông) cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, Ban Giám đốc công ty đã thực hiện đăng ký để được công nhận nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm khô. Tuy chỉ là điểm khởi đầu nhưng có thể xem đây là bước đệm trong việc xây dựng phát triển thương hiệu. Hơn thế, công ty còn chú trọng mở rộng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ hàng Việt và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Tân Cường cho biết: “Để thương hiệu sản phẩm gạo vươn xa, trong bước phát triển những năm tiếp theo, Ban Giám đốc HTX sẽ luôn chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu. Song song đó, HTX còn tổ chức lại sản xuất và xây dựng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường”.

Theo Trung tâm KC&TVPTCN, tại Đồng Tháp việc hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu sẽ được thực hiện ở 4 cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là các cơ sở có sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện là hơn 169 triệu đồng/năm.

Để việc xây dựng phát triển thương hiệu dần đi vào chiều sâu, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, lựa chọn các hình thức quảng bá phù hợp với từng thị trường ở những thời điểm khác nhau trong chiến lược phát triển thương hiệu. Song song đó, Trung tâm sẽ lựa chọn phương thức quảng bá rộng rãi thông qua các phương tiện truyền hình, báo chí, internet, điểm bán hàng, bao bì hoặc tham gia các hội chợ, triễn lãm... để sản phẩm có thể tiếp cận với người tiêu dùng”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn