Nhãn Châu Thành trước cơ hội lớn

Cập nhật ngày: 27/04/2016 11:31:00

Vị thơm ngon, giá trị kinh tế cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt là các yếu tố để nhãn Edor được nhà vườn Châu Thành “chọn mặt” canh tác thay giống nhãn tiêu da bò bị dịch bệnh chổi rồng hoành hành. Phấn khởi hơn khi nhãn Edor đã góp mặt tại thị trường Mỹ...


Nhãn Edor được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng

Nhãn Edor mở ra hướng đi mới

Châu Thành được biết đến là “thủ phủ” nhãn của tỉnh Đồng Tháp với diện tích gần 3.500ha canh tác các loại nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn phú quý, Edor. Hàng năm, sản lượng nhãn toàn huyện cung ứng cho thị trường khoảng 33.000 tấn trái. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, kinh nghiệm lâu năm trong canh tác, cây nhãn đã giúp nhiều nhà vườn địa phương vươn lên khá giàu.

Tuy nhiên, từ năm 2012 sự xuất hiện của bệnh chổi rồng trên nhãn tiêu da bò khiến nông dân trồng nhãn phải lao đao khi sản lượng giảm mạnh, nguồn thu bị mất trắng. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, không ít nông dân phá bỏ vườn nhãn chuyển sang trồng các loại cây kinh tế khác. Nhưng những năm gần đây “thủ phủ” nhãn bắt đầu hồi sinh với giống nhãn Edor. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Châu Thành, nhãn Edor có vị thơm ngon, khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh chổi rồng. Ngoài ra, lợi nhuận nhãn Edor mang lại đạt cao nhất so với các giống nhãn trồng phổ biến đã tạo “cú hích” mạnh đối với nông dân trồng nhãn muốn chuyển đổi cây trồng. Theo quan sát thị trường, giá nhãn Edor luôn giữ mức cao, dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Giá nhãn cao là do nguồn cung còn hạn chế so với nhu cầu của người tiêu dùng. Theo tính toán của ngành chức năng, với năng suất 20 tấn/ha (cao gần như gấp đôi so với nhãn tiêu da bò), giá bán hấp dẫn thì bà con có thể lãi từ 500 - 600 triệu đồng/ha.

Ông Phan Văn Sum - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành thông tin: “Với hiệu quả kinh tế của nhãn Edor mang lại, phần nào bù đắp tổn thất về kinh tế mà bà con trồng nhãn bị thiệt hại bởi dịch bệnh chổi rồng. Hiện nay, nhãn tiêu da bò đã hoàn thành sứ mệnh của mình và nhãn Edor lại mở ra triển vọng cho mặt hàng này”.

Nhãn xuất ngoại

Nhãn Edor không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được thị trường Mỹ chấp nhận. Năm 2014 được xem là dấu mốc để sản phẩm nhãn Châu Thành bước “sang trang” khi các thành viên Hợp tác xã Nhãn Châu Thành được Trung tâm Kiểm dịch thực vật Mỹ cấp mã code đủ điều kiện xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ. Đến cuối năm 2015, nhãn Châu Thành có mặt tại thị trường này với số lượng khoảng 300 tấn trái.

Theo ông Phạm Hữu Hiện - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, hiện nay việc xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ ngày một khởi sắc. Trước đây, số lượng xuất sang thị trường Mỹ mỗi kỳ khoảng 10-50 tấn trái. Riêng những lúc cao điểm, mỗi tuần các doanh nghiệp có thể xuất trên 100 tấn trái. Với số liệu thống kê chưa đầy đủ, ông Hiện nhẩm tính sản lượng nhãn qua thị trường Mỹ từ Tết đến nay khoảng 2.000 tấn trái và nhu cầu thị trường vẫn còn nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cho thị trường này, bà con trồng nhãn đã thay đổi tư duy canh tác truyền thống chuyển sang sản xuất theo những quy trình an toàn, đồng thời áp dụng các kỹ thuật  để trái đạt tiêu chí xuất khẩu (đường kính 2,5cm). Đứng trước những cơ hội mới, ngành nông nghiệp huyện cũng tiến hành áp dụng rải vụ để đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho xuất khẩu.

Sở dĩ sản phẩm nhãn của Châu Thành đáp ứng được các tiêu chí xuất khẩu thuận lợi bởi nhiều yếu tố. Đối với nhãn, rất ít quốc gia trên thế giới (khoảng 5 nước) có thể canh tác được nông sản này và năng suất của họ đạt thấp. Trong khi nhãn Châu Thành lại phát triển rất tốt tại vùng đất cồn, tỷ lệ trái theo tiêu chí xuất khẩu đạt khá cao. Hơn nữa, nông dân địa phương đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm để sản xuất các loại nhãn khác nên không khó để xử lý ra hoa, quản lý dịch bệnh trên nhãn Edor...

Trước những ưu thế, cơ hội lớn mà sản phẩm nhãn của Châu Thành đang sở hữu, chính quyền địa phương đã tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh này. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhãn sẽ đạt 4.000ha, sản lượng 70.000 tấn/năm. Vấn đề mấu chốt để thực hiện kế hoạch phát triển nông sản địa phương của huyện là liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp trong sản xuất nhãn. Ngoài ra, việc củng cố và thành lập các hợp tác xã, sản xuất gắn với du lịch, sản phẩm giá trị gia tăng từ trái nhãn là một trong những định hướng của huyện trong thực hiện tái cơ cấu đối với sản phẩm nhãn.

Trước cơ hội nhãn Châu Thành xuất ngoại, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhắn gửi, chia sẻ đến bà con trồng nhãn địa phương: “Ngày nay, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không chỉ có sự cần cù mà phải kết hợp chặt chẽ với ứng dụng khoa học, công nghệ và sự đổi mới sáng tạo của người nông dân...”.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với người trồng nhãn là giảm chi phí sản xuất, từ đó lợi nhuận đạt được ngày càng cao. Theo Bí thư Lê Minh Hoan, để thực hiện được mục tiêu đó, bà con cần hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh từ việc “mua chung”, “bán chung”, “dùng chung” kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ bảo quản, chế biến...

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn