Hiệu quả từ việc triển khai Đề án an toàn điện tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 19/08/2019 10:24:54

ĐTO - Sau 2 năm triển khai Đề án an toàn điện tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Đề án) đã cho thấy sự hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cung cấp và sử dụng điện. Để làm được điều này, thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình đề ra đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố nhằm có sự phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.


Ngành Điện lực phối hợp thực hiện tuyên truyền sử dụng điện an toàn trên địa bàn TX.Hồng Ngự

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án, thời gian qua, ngành công thương đã chủ động ban hành nhiều công văn hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo kế hoạch đề ra; tổ chức kiểm tra tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương...

Hàng năm, ngành công thương và những đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vận hành trạm bơm điện cho tổ chức, cá nhân quản lý vận hành trạm bơm điện; tập huấn kiến thức về an toàn điện cho công nhân xây lắp, sửa chữa lưới điện. Đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh tuyên truyền về an toàn điện tại các xã thí điểm mô hình kiểu mẫu trong xây dựng NTM; phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện những phóng sự, bài viết tuyên truyền về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả...

Sau 2 năm triển khai Đề án, công tác đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn được ngành điện và các địa phương tích cực quan tâm thực hiện. Đến nay, có 118/119 số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 4 về điện. Ngoài ra, Công ty Điện lực Đồng Tháp và các địa phương đã thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn, xóa khoảng 421/1.000 điện kế cụm với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Đề án là số vụ tai nạn điện và số vụ sự cố lưới điện cao áp được kiềm chế. Kết quả này là do ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn được nâng lên đáng kể. Cụ thể, số vụ tai nạn điện trong năm 2018 xảy ra 25 vụ, so với năm 2017 giảm 3 vụ; trong 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 7 vụ, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 7 vụ. Số vụ sự cố lưới điện cao áp giảm, thể hiện qua các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện.

Các kết quả thực hiện Đề án đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện theo kế hoạch của tỉnh đề ra (phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện), giảm số vụ tai nạn điện và số vụ sự cố lưới điện cao áp, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, cho thấy mục tiêu chính của Đề án đã thực sự phù hợp với nhu cầu chung của tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn do một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện Đề án, chưa bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Ngoài ra, một số địa phương chưa phối hợp tốt với Điện lực địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án; chế độ thông tin, báo cáo còn thiếu đã gây khó khăn trong việc quản lý, đánh giá thực hiện Đề án. Ngoài ra, kinh phí địa phương hỗ trợ đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn, xóa điện kế cụm theo đề án có hạn, nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện tiêu chí số 4 về điện...

Trao đổi về những định hướng triển khai Đề án trong thời gian tới, ông Hồ Thanh Tùng - Phó Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện Đề án theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, chú ý đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, kiểm tra tổ chức, cá nhân sử dụng điện trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn điện. Cùng với đó, xây dựng, cải tạo hệ thống điện sau điện kế theo tiêu chí số 4 về điện, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, nhằm kéo giảm số vụ tai nạn điện và sự cố lưới điện cao áp. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí điện nông thôn, xóa điện kế cụm; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện Đề án...

Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ phối hợp với Công ty Điện lực Đồng Tháp tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Đề án, trong đó tập trung thực hiện tiêu chí điện nông thôn, xóa điện kế cụm; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền (tập trung tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án); tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các khách hàng sử dụng điện thực hiện tiêu chí điện nông thôn và các biện pháp an toàn điện theo quy định. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện hạ thế theo tiêu chí điện nông thôn...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn