Huyện Thanh Bình

Đẩy mạnh tìm đầu ra cho nông sản

Cập nhật ngày: 19/09/2014 05:13:53

Huyện Thanh Bình với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển một số nông sản như ớt và cây lúa, hoa màu…, đến nay một số nông sản này từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khiêm tốn chưa tạo sức bật cho nông sản thế mạnh này…


Ớt - mặt hàng chủ lực của địa phương

Diện tích trồng ớt hàng năm của huyện trên 2.000ha, sản lượng lên đến 40.000 - 50.000 tấn. Địa phương có thêm lợi thế khi sản phẩm ớt được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, nhưng con đường phát triển của loại cây chủ lực này vẫn còn khó khăn chưa xây dựng được mối liên kết tiêu thụ bền vững.

Dù việc tiêu thụ ớt trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi với 7 điểm thu mua ớt, 6 cơ sở sấy ớt, cùng các cơ sở làm tương ớt, chế biến sản phẩm từ ớt, sản phẩm ớt còn được xuất tiểu ngạch sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia... nhưng chủ yếu là mua bán theo truyền thống. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, đối với sản phẩm ớt, người tiêu dùng chủ yếu bán cho thương lái, doanh nghiệp chưa có hợp đồng liên kết, chính vì thế mà giá cả cũng thay đổi, bấp bênh. Đơn cử như ớt đầu vụ giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg, đến chính vụ còn từ 8.000 đồng đến 14.000 đồng/kg nên người trồng ớt không có lãi. Đến cuối vụ, khi ớt thu hoạch dứt điểm lại tăng lên 17.000 đồng/kg.

Bài toán về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đang được huyện quan tâm, đây được xem là mô hình giải quyết được những vấn đề tồn tại. Trong thời gian tới, huyện xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm ớt thông qua hợp đồng liên kết, đồng thời tiến đến sản xuất ớt mùa nghịch đảm bảo số lượng lớn cho những đơn vị có nhu cầu tiêu thụ quanh năm. Song song đó, tiếp tục hướng dẫn người dân trồng ớt theo hướng GAP, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm. Từ đó, cộng hưởng về nhãn hiệu hàng hóa đã được chứng nhận sẽ tạo tiền đề cho cây ớt Thanh Bình phát triển.

Đối với cây lúa, trong thời gian qua huyện từng bước nhân rộng mô hình phát triển cánh đồng liên kết và phát huy được những tính ưu việt của mô hình. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn. Thống kê của huyện Thanh Bình, trong vụ hè thu các doanh nghiệp kí hợp đồng liên kết tiêu thụ và cung ứng vật tư với tổng diện tích là 1.000ha, nhưng đến nay diện tích được thu mua chỉ có 370ha.

Theo bà Lý Thanh Tâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hợp đồng thu mua lúa còn ít chủ yếu là do giá cả thỏa thuận giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau, dẫn đến tình hình thực hiện hợp đồng chưa như mong muốn. Ngoài ra, cách thu mua của các doanh nghiệp cũng khác nhau, trong khi người nông dân lại hài lòng với việc bán lúa tươi tại ruộng. Trong năm 2015, huyện sẽ tiếp tục giữ diện tích cánh đồng liên kết khoảng 3.000ha.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn