Chính sách hỗ trợ tạo đòn bẫy cho sản phẩm VietGAP

Cập nhật ngày: 01/02/2016 13:08:18

UBND tỉnh vừa có quyết định quy định mức chi thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.


Sản xuất VieGAP từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn (gọi chung là sản phẩm VietGAP) áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư, tối đa không quá 1 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP.

Riêng việc hỗ trợ một lần chi phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP đối với sản phẩm trồng trọt, mức hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/lượt; chứng nhận lại không quá 40 triệu đồng/lượt. Đối với sản phẩm chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/lượt; chứng nhận lại không quá 50 triệu đồng/lượt. Riêng sản phẩm thủy sản mức hỗ trợ không quá 90 triệu đồng/lượt; chứng nhận lại không quá 60 triệu đồng/lượt.

Điều kiện để tiếp cận với sự hỗ trợ của tỉnh là sản phẩm đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP và áp dụng quy trình này trong quá trình sản xuất, sơ chế. Ngoài ra, phải có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm được ghi trong giấy đăng ký áp dụng VietGAP và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký áp dụng quy trình.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn