Bước chuyển biến tích cực của ngành cơ khí

Cập nhật ngày: 04/12/2015 13:20:49

Trong những năm qua, cơ khí được đánh giá là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế vì đây là ngành cung cấp nhiều trang thiết bị, máy móc cho các ngành khác. Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 1.000 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, tạo việc làm cho 4.000 lao động.


Hoạt động khuyến công sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh

Ngành cơ khí tỉnh nhà tuy có bước chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá trị sản xuất của ngành trong năm 2015 ước đạt 183 tỷ đồng, vượt 1,67% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%, đạt 50% kế hoạch; chiếm tỷ trọng 0,99% ngành công nghiệp. Các sản phẩm của ngành tập trung vào việc cung cấp thiết bị máy móc phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại máy móc phục vụ cho phát triển nông, lâm, thủy sản; cung cấp thiết bị cho ngành xây dựng...

Để các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nâng cao hiệu quả, trong giai đoạn 2013 - 2015, từ các hoạt động thuộc chương trình khuyến công đã hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mới máy móc, thiết bị, công nghệ.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV sản xuất máy nông nghiệp Tây Đô (huyện Tân Hồng) nhận được sự hỗ trợ 195 triệu đồng (từ kinh phí Khuyến công Quốc gia) để đầu tư hệ thống máy phay CNC trong sản xuất máy hút thổi nguyên liệu rời. Lợi ích kinh tế từ hệ thống máy này mang lại là giúp DN chủ động được công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất khoảng 5%, tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân.

Ông Đỗ Thanh Đô - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất máy nông nghiệp Tây Đô cho biết: “Sự đồng hành cùng DN trong việc đầu tư thiết bị máy móc phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công giúp công ty vững tâm hơn trong hoạt động kinh doanh, mang lại nhiều đơn đặt hàng, phát triển thêm sản phẩm mới và nâng cao tay nghề, tạo việc làm ổn định cho đội ngũ công nhân”.

Bên cạnh việc hỗ trợ máy móc thiết bị, ngành cơ khí cũng chú trọng liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, ngành cơ khí liên kết được với các đơn vị chuyên nhập khẩu và gia công cơ khí chính xác tại TP.Hồ Chí Minh cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (động cơ diesel các loại, xích cao su, hộp số, các thiết bị thủy lực, điện tử, hệ thống quạt gió, hệ thống con lăn, đúc khuôn); xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin bước đầu đã ký được các bản ghi nhớ hợp tác về chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động...

Với mục đích nâng cao tay nghề đội ngũ lao động, trong giai đoạn 2013 - 2015, ngành cơ khí đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao tay nghề cơ khí; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở...

Để phát triển bền vững ngành cơ khí trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ chú trọng việc khuyến khích đầu tư các sản phẩm trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn thông tin, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cơ khí cần năng động trong việc liên kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài để thu hút vốn FDI; nâng cao nhận thức về phát triển thị trường, tranh thủ nguồn vốn để chú trọng đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn