Không phát sinh đường dây, ổ nhóm quy mô lớn về buôn lậu thuốc lá

Cập nhật ngày: 02/12/2015 13:25:37

Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu nhưng tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Chí Bắc - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 về phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đồng Tháp đã trả lời phỏng vấn của Báo Đồng Tháp về vấn đề này.


Ông Nguyễn Chí Bắc

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhất là đối với các mặt hàng “nóng” như thuốc lá và đường cát?

Ông Nguyễn Chí Bắc (N.C.B.): Từ khi thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá thì tình hình vận chuyển thuốc lá qua tuyến biên giới của tỉnh có chiều hướng giảm so với trước. Hiện nay, tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn biên giới, nội địa tỉnh Đồng Tháp vẫn còn diễn ra, nhưng thời điểm này vẫn ở mức độ bình thường, không phát sinh đường dây, ổ nhóm mang tính chất quy mô lớn, liên địa bàn.

Riêng mặt hàng đường cát, những tháng đầu năm 2015 tình hình nhập lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ở mức độ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2015 thì tình trạng buôn lậu đường cát Thái Lan trên địa bàn biên giới của tỉnh bắt đầu tăng trở lại, do địa bàn tỉnh An Giang đã triệt phá đường dây buôn lậu đường với quy mô lớn nên các đối tượng chuyển địa bàn. Mặc khác, do nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận từ việc buôn lậu đường cát khá cao nên đã lôi kéo một bộ phận người dân hám lợi, không có công ăn việc làm, nhất là trong các thời điểm nông nhàn đi buôn lậu. Trước tình hình trên thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh/Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình hình buôn lậu đường cát trên địa bàn nên tình hình có chiều hướng giảm, không xảy ra điểm nóng. Các vụ việc phát hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa phát hiện vụ việc vi phạm mang tính chất quy mô lớn.

PV: Có thể thống kê trên địa bàn có bao nhiêu đối tượng buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu? Những đối tượng này có phương thức, thủ đoạn và tính mang động như thế nào?

Ông N.C.B.: Qua công tác nắm tình hình của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 30 đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp và hơn 50 đối tượng tham gia vận chuyển thuê, tiếp tay cho buôn lậu (chủ yếu là buôn lậu thuốc lá và đường cát).

Các đối tượng buôn lậu hiện nay luôn cử người canh chừng, giám sát mọi hoạt động của các lực lượng chức năng. Khi vận chuyển hàng lậu thì họ rất liều lĩnh, luôn phóng nhanh, vượt ẩu gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông và các lực lượng chức năng, chúng tôi thật sự chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các đối tượng này. Do các đối tượng này biết lực lượng chức năng không dám truy đuổi quyết liệt họ trong quá trình vận chuyển hàng lậu, nếu truy đuổi họ gây tai nạn giao thông thì trách nhiệm thuộc về lực lượng chức năng, đó là khó khăn lớn nhất trong công tác chống buôn lậu của chúng tôi hiện nay.

Đặc biệt, một số đối tượng vận chuyển hàng lậu trên địa bàn biên giới rất manh động. Khi hàng hóa của họ bị bắt giữ, họ sẽ tìm mọi cách như tụ tập, lôi kéo đông người làm mất trật tự, gây cho lực lượng chức năng khó kiểm soát để tẩu tán hàng hóa hoặc trên đường vận chuyển họ canh chừng, giám sát lực lượng chức năng để thông tin cho nhau, khi có kiểm tra thì ném hàng vào nhà dân để tẩu thoát, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

PV: Gần đây một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường gây tai nạn cho người tham gia giao thông trên đường. Xin ông cho biết thêm thông tin về những đối tượng này?

Ông N.C.B.: Trong tháng 11/2015, có 2 vụ tai nạn giao thông do các đối tượng vận chuyển hàng lậu gây ra làm 2 người tử vong trên hai địa bàn gồm: 1 vụ 2 phương tiện vận chuyển 6 bao đường cát nhập lậu gây tai nạn làm 1 người tử vong ở khu vực phường An Lạc, TX.Hồng Ngự và 1 vụ các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chạy với tốc độ cao gây tai nạn làm 1 người đang đứng bên lề đường tại khu vực xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự tử vong. Các đối tượng này luôn canh chừng, giám sát chặt mọi lực lượng chức năng thực hiện công tác chống buôn lậu và hoạt động không theo quy luật cố định. Có khi thì buổi trưa, có khi sáng sớm hay những lúc vào giờ nghỉ của các lực lượng chống buôn lậu để vận chuyển hàng. Khi có hàng, họ điều khiển phương tiện với tốc độ cao, tắt đèn khi chạy, bất chấp mọi nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông, miễn sao đưa được hàng về đến nơi tiêu thụ. Đây không những là thủ đoạn chung của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu ở Đồng Tháp mà dường như cả nước nên rất nguy hiểm.

PV: Thường thì những tháng giáp Tết Nguyên đán, đối tượng buôn lậu sẽ hoạt động nhiều hơn, ngành chức năng của tỉnh sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn và hạn chế số vụ buôn lậu và gian lận thương mại?

Ông N.C.B.: Theo quy luật hằng năm thì nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp lễ, Tết tăng rất cao, đó cũng là thông lệ, nên vào thời điểm này các đối tượng buôn lậu sẽ tăng cường vận chuyển nguồn hàng về để cung cấp cho thị trường. Về biện pháp để ngăn chặn và hạn chế tình trạng buôn lậu thì Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có Kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn buôn lậu từ biên giới cho đến thị trường nội địa. Sắp tới, chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm và tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhằm để các thương nhân tuân thủ, thực hiện đúng các quy định pháp luật và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

PV: Xin cám ơn ông!

Trần Ngọc (Thực hiện)

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, trong cả năm 2014 và 10 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 4.925 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, đã xử lý hình sự 48 vụ, xử lý hành chính 3.698 vụ với tổng số tiền phạt 17 tỷ đồng. Ước giá trị tang vật, tịch thu phương tiện trị giá gần 30 tỷ đồng. Trong đó số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ hơn 1,62 triệu bao; hơn 168 tấn đường cát và hơn 91.000 hộp, chai mỹ phẩm,...

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn