Triển vọng về công nghệ xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất bong bóng cá

Cập nhật ngày: 02/12/2015 12:23:59

Là một trong những ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, những năm qua ngành chế biến cá tra góp phần giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm, phát triển kinh tế cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, khi đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thì việc xử lý nước thải trở thành nan giải đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở vừa và nhỏ.


Nước thải được xử lý tại các ao lắng sinh học, trước khi được trả về môi trường tự nhiên

Huyện Lấp Vò là một trong những địa phương tập trung nhiều cơ sở chế biến cá tra của tỉnh, theo số liệu thống kê của Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Lấp Vò, hiện toàn huyện có trên 32 cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm từ cá tra. Tập trung ở các xã: Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Định Yên, Mỹ An Hưng B... phần lớn các cơ sở ở đây hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình cá nhân. Những cơ sở này chủ yếu hoạt động sản xuất tập trung ở các loại hình chế biến phụ phẩm từ cá tra như: chế biến bong bóng cá, tách đầu cá... góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mạnh.

Bên cạnh mặt tích cực, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở chế biến phụ phẩm thủy sản này đã tác động tiêu cực đến môi trường. Phần lớn các cơ sở chế biến không xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc xây dựng hệ thống xử lý chưa hoàn chỉnh, do đó nước thải trong quá trình sản xuất thường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư. Thực trạng chung là để xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy mô của một nhà máy chế biến thủy sản, thì chi phí đầu tư quá cao, không phù hợp với tiềm lực về tài chính của các cơ sở nhỏ lẻ. Đây cũng chính là điểm nghẽn gây khó khăn trong công tác quản lý đối với các ngành chức năng của huyện Lấp Vò.

Xuất phát từ thực tế đó, tháng 10/2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lấp Vò tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nước thải của cơ sở chế biến bong bóng cá trên địa bàn huyện Lấp Vò”. Kết quả bước đầu cho thấy đề tài đã góp phần giúp xử lý tốt vấn đề nước thải gây ô nhiễm tại cơ sở sản xuất bong bóng cá.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện trong 8 tháng, từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015 tại cơ sở chế biến bong bóng cá Huỳnh Phước Hải, ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, công suất vận hàng 15m3/ngày, chi phí đầu tư gần 99 triệu đồng.

Thạc sĩ Võ Hồ Hương Lan (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lấp Vò), chủ nhiệm đề tài cho biết, đặc điểm của nước thải bong bóng cá là có nhiều chất hữu cơ từ mỡ cá, do đó phương pháp xử lý sinh học được ưu tiên hàng đầu. Nước thải sẽ được xử lý qua 6 bước bằng các hệ thống riêng biệt.

Đầu tiên nước thải đi qua bể tiếp nhận, tại đây hàng ngày các chất thải như rác, nylon, mỡ bong bóng cá, được vớt thủ công với mục đích tách các chất lơ lửng ra khỏi nước thải, tránh gây tắc nghẽn cho các quá trình sau. Sau đó, nước thải được bơm lên bể kỵ khí, tiếp tục quá trình phân hủy kỵ khí các chất hữu cơ. Đặc biệt ở khâu này khí gas sẽ được sinh ra, và có thể đưa vào phục vụ mục đích sinh hoạt cho chủ cơ sở. Nước thải sau khi qua bể kỵ khí tiếp tục được chảy tự nhiên đến hệ thống ao sinh học. Tại đây, vi khuẩn sẽ được tiêu diệt bằng phương pháp sinh học, đồng thời một số chất dinh dưỡng cũng được tách ra khỏi nước thải. Nước thải tiếp tục được bơm lên hệ thống đất ngập nước nhân tạo. Tại đây, chất rắn lơ lửng, nitơ, photpho, COD và vi khuẩn còn lại sẽ bị loại bỏ thông qua các quá trình hấp phụ của thực vật, sự phân hủy của vi sinh vật, lọc trong đất ngập nước. Sau khi nước thải được xử lý sẽ đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011, loại A, đối với nước thải công nghiệp.

Ưu điểm của hệ thống xử lý nước thải này là chi phí vận hành thấp, giảm thiểu các chi phí sử dụng điện năng và các thiết bị. Duy trì được khả năng xử lý nước thải với tải lượng ô nhiễm không ổn định.

Anh Huỳnh Phước Hải - chủ cơ sở chế biến bong bóng cá chia sẻ: “Với mức chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng và chi phí để vận hành hệ thống khoảng 1,5 triệu đồng/tháng thì không quá cao đối với những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Đây là một phương pháp xử lý đơn giản, ít tốn kém nhưng lại rất hiệu quả. Đặc biệt, nếu các cơ sở đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải như thế này thì vấn đề nan giải đối với xử lý nước thải trong chế biến bong bong cá không còn là nỗi ám ảnh của những hộ sản xuất kinh doanh như chúng tôi”.

Đây là mô hình có thể áp dụng với những cơ sở có điều kiện tương tự, tuy nhiên để có thể ứng dụng đại trà cần có những nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn