Những mô hình thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 02/12/2015 12:22:15

Qua 5 năm thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Địa phương đã xây dựng nhiều mô hình thí điểm ứng phó như cụm, tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, trồng rau nhút, ấu...


Cụm, tuyến dân cư giúp người dân ổn định cuộc sống

Đồng Tháp có số CTDC vượt lũ nhiều nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là 1 trong 5 chương trình trọng điểm của tỉnh, mang tính chiến lược về kinh tế - xã hội, giúp người dân có nơi ở an toàn, ổn định, an tâm lao động sản xuất. Trong giai đoạn 1, tỉnh bố trí cho toàn bộ hơn 37.000 hộ dân vào sống ổn định trong 204 cụm, tuyến; tiếp tục chương trình xây dựng CTDC giai đoạn 2 với 53 cụm, tuyến. Hiện nay, hương trình này đang được khẩn trương thực hiện, trong đó công tác san lấp mặt bằng đã hoàn thành ở 52/53 cụm, tuyến; xây dựng cơ sở hạ tầng đạt khoảng 88,37% và đã xét duyệt cho 14.169/15.193 hộ (đạt 93,26%).

Theo nhận định của UBND tỉnh, hiệu quả của chương trình xây dựng CTDC là giúp hộ dân sống trong vùng ngập lũ, sạt lở được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Ngoài việc được bố trí chỗ ở, người dân trong các CTDC còn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, nước, giao thông, đường cấp thoát nước, hệ thống trường học, trạm y tế, chợ... đáp ứng nhu cầu đời sống người dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn lồng ghép vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho người dân nên bộ mặt dân cư đã có phần khởi sắc.

Hiện nay, người nông dân không còn phải chịu áp lực khi lũ về, bởi họ đã biết nương tựa, biến khó khăn thành lợi thế trong sản xuất. Trong đó nuôi tôm càng xanh, phát triển sản phẩm mùa nước như trồng ấu, rau nhút... là một trong những cách ứng phó sáng tạo của người nông dân.

 Nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa mùa nước nổi mặc dù hiện vẫn còn không ít khó khăn nhưng mô hình này là một lợi thế đặc thù của tỉnh, đóng vai trò quan trọng thứ hai sau cá tra trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Với việc tận dụng lợi thế thiên nhiên, tỉnh xác định sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong mùa lũ là mô hình phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Lợi nhuận từ mô hình này tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa, bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi, nhất là các hộ nghèo không có đất sản xuất. Các diện tích nuôi tập trung tại các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò.

Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông thông tin: “Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa trong những năm qua đã phát huy thế mạnh riêng. Trong thời gian tới, ngành cùng UBND huyện đẩy mạnh thực hiện tìm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra bền vững cho nông dân và xây dựng thương hiệu hàng hóa tôm địa phương”.

Cũng như nhiều địa phương khác thuộc khu vực ĐBSCL, diện tích đất trồng ấu, rau nhút trên địa bàn tỉnh tăng dần qua từng năm. Hiện tại, diện tích trồng ấu, rau nhút trong tỉnh lên đến hàng ngàn ha, tập trung nhiều ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung và Thanh Bình. Mỗi năm, khi mùa lũ về người dân Đồng Tháp đã tận dụng những diện tích đất trồng lúa để chuyển sang trồng ấu, rau nhút, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ngoài nguồn lợi kinh tế từ nghề trồng ấu, rau nhút, sau khi thu hoạch xong, việc cày - trục nhận dây ấu, rau nhút xuống đất làm tăng thêm độ màu mỡ, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư mua phân bón trong việc canh tác lúa vụ đông xuân...

Để các mô hình này đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ hơn, chú trọng đến sự tham gia tích cực của nhân dân và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, quốc tế.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn