Tạo tiền đề tốt cho trẻ tiếp thu ngoại ngữ

Cập nhật ngày: 11/09/2019 09:03:09

ĐTO - Chương trình cho trẻ ngành học mầm non, mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các đơn vị trực thuộc triển khai, thực hiện trong năm học 2018 – 2019. Theo đó, mỗi trường tự chọn chương trình học khác nhau tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu phụ huynh và khả năng của trẻ. Chương trình giúp trẻ làm quen với tiếng Anh lứa tuổi từ 4 - 6 tuổi, nhằm tạo tiền đề để các em tham gia chương trình tiếng Anh khi chính thức vào học ở bậc Tiểu học.


Giáo viên tham gia chương trình giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh

Hiện nay, toàn tỉnh có 27 trường gồm công lập và tư thục tổ chức giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh với tổng số 134 nhóm, lớp (gồm nhà trẻ, dành cho trẻ từ 3 - 6 tuổi). Trong đó trẻ từ 5 - 6 tuổi có 62 nhóm, lớp với khoảng 3.029 trẻ tham gia. Mỗi trường tự chọn chương trình học khác nhau tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu cha mẹ và khả năng của trẻ. Với thời lượng giảng dạy dao động (tùy theo độ tuổi) diễn ra từ 20 – 35 phút, trẻ được học các chương trình: Giáo trình Macmillan Discover with DEX 2, My Little Island, Happy Heart, Bebop, Everybody, My-Little-Island-1-PB. Nội dung các hoạt động chủ yếu cho trẻ làm quen tiếng Anh, luyện nghe, nói theo hình ảnh, đồ dùng dụng cụ đã chuẩn bị. Trẻ tham gia tô màu tranh ảnh, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày hoặc tham trò chơi, bài hát, xem các bộ phim hoạt hình thoải mái tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới mà không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT quy định.

Đáp ứng kỹ năng, chương trình giảng dạy cho trẻ trong độ tuổi, nhà trường có đội ngũ giáo viên (GV) có trình độ Đại học Ngoại ngữ trở lên hoặc phối hợp với đơn vị có GV bản ngữ, GV nước ngoài không phải người bản ngữ... Các trường có tổ chức giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, trong đó có 11 trường có phòng học dành riêng cho việc tổ chức hoạt động làm quen tiếng Anh. Các trường còn lại tổ chức giảng dạy ở phòng chức năng hoặc phòng học với trang thiết bị, học liệu, đồ dùng, đồ chơi... Ngoài ra, một số trường chọn chương trình học, liên kết với Công ty cung cấp phần mềm học tiếng Anh. GV sử dụng các bài giảng trên màn hình kết hợp giáo cụ trực quan và thông qua các trò chơi. Sau mỗi buổi học, trẻ được thực hiện bài tập trên giáo trình nhằm củng cố lại kiến thức đã học.

Tổ chức giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh là một trong những giải pháp khuyến khích trẻ tiếp cận, làm quen với tiếng Anh từ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này vẫn còn gặp một số khó khăn như đa số cha mẹ trẻ mong muốn con mình học với GV nước ngoài trong khi số lượng GV nước ngoài vẫn còn hạn chế về số lượng. Một số đơn vị trường vẫn còn khó khăn về vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng tốt cho trẻ làm quen tiếng Anh. Quản lý hoạt động tổ chức giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn về việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo giáo trình và phần mềm “Happy Hearts” trong các cơ sở giáo dục mầm non; đồng thời hướng dẫn thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường với GV người nước ngoài đến tất cả các trường Mầm non trong tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện công tác phân cấp trong quản lý, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, nắm thông tin về thời gian học, kiến thức cung cấp cho trẻ, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học. Qua đó, định hướng cho nhà trường để việc tổ chức làm quen tiếng Anh cho trẻ được tốt hơn.

Trong năm học mới, hoạt động giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh tiếp tục được Sở GD&ĐT khuyến khích thực hiện. Đặc biệt là công tác giảng dạy tập trung ở các trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh việc dạy và học tiếng Anh tăng cường theo hình thức tự nguyện, xã hội hóa; nâng chất lượng việc tổ chức hoạt động làm quen với tiếng Anh. Đồng thời đề xuất các trường Đại học trong chương trình đào tạo GV mầm non nên đưa ngoại ngữ vào giảng dạy, giúp GV khi ra trường có đủ điều kiện giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn