Khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Cập nhật ngày: 31/03/2024 05:50:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240331055104dt2-8.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về phát triển du lịch trong hệ thống chính trị và Nhân dân được nâng lên. Du lịch của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch, xếp thứ hạng cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, trong đó hạ tầng giao thông đường bộ đã kết nối, lưu thông thuận tiện đến tất cả các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.


Du khách tham quan, trải nghiệm tại Điểm tham quan vườn cây trái Năm Tiệm (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò)

Cùng với tình hình phục hồi chung của du lịch cả nước, du lịch Đồng Tháp tiếp tục phát triển, trong đó tập trung khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng từng địa phương và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề. Đồng thời, tỉnh tổ chức thành công chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch với quy mô cấp tỉnh, khu vực như: Tuần lễ du lịch gắn với Lễ hội hoa Xuân Sa Đéc; Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần thứ nhất, Lễ hội Xoài Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2023; phối hợp Viện kinh tế Văn hóa tổ chức tọa đàm “Nghiên cứu, liên kết phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Đồng Tháp”... góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp.

Năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thu hút 4 triệu lượt khách (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước), tổng doanh thu du lịch khoảng 1.900 tỷ đồng (tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước). Triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch được thực hiện tích cực, năm 2023 đã chi hỗ trợ cho các điểm tham quan, du lịch (Điểm du lịch sinh thái Thuận Hiếu ở huyện Tháp Mười, Vườn trái cây Năm Tiệm tại huyện Lấp Vò, Vườn sinh thái Nam Hương tại huyện Tân Hồng...) với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Ngành du lịch tỉnh quan tâm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính liên kết cao nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng.

UBND tỉnh ra quyết định công nhận 2 điểm du lịch cấp tỉnh theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017; phát triển thêm 4 điểm tham quan, du lịch cộng đồng; đặc biệt là đưa 2 mô hình mới vào hoạt động du lịch có hiệu quả là Chợ quê Tân Thuận Đông và Chợ quê Gò Tháp. Đồng thời, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười), Khu du lịch Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu của khu vực năm 2023.

Những tháng đầu năm 2024, các khu, điểm du lịch trên địa bàn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua. Thống kê của ngành chức năng tỉnh, trong tháng 2/2024, toàn tỉnh thu hút hơn 400.000 lượt khách; lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 thu hút khoảng 750.000 lượt khách (tăng 22,9%), tổng doanh thu du lịch ước đạt 330 tỷ đồng, (tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023).

Nhìn chung, việc phát triển du lịch sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế cũng như tạo dựng hình ảnh địa phương trong thời gian tới. Do đó, tỉnh quan tâm nâng tầm quy mô và chất lượng du lịch, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP đặc trưng tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân. Đồng thời tăng cường mời gọi đầu tư phát triển các công trình du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Xây dựng cơ sở dữ liệu số, hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh... Qua đó, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 4,2 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng trong năm 2024.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn