Du lịch Đất Sen hồng hướng đến tiềm năng xanh

Cập nhật ngày: 16/02/2024 05:38:01

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240216054006cx1.mp3

 

ĐTO - Thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp, cộng đồng của Đồng Tháp đã tạo được sức hút mạnh đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng Tháp khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp nhằm định vị lại ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị nhiều hơn từ một diện tích đất sản xuất nông nghiệp.


​Khách du lịch thích thú với cánh đồng sen Tháp Mười ở huyện Tháp Mười

TIỀM NĂNG DU LỊCH XANH

Du lịch của Đồng Tháp có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ gần như chưa có gì, đến nay đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch, xếp tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách, góp phần đưa hình ảnh Đất Sen hồng ngày càng vươn xa. Nếu so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp của Đồng Tháp bắt đầu khá muộn vào cuối năm 2016. Thời điểm ban đầu chỉ phát triển tự phát, có vài hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tuy xuất phát trễ nhưng bước đầu đạt được một số kết quả hết sức khả quan, đến nay, toàn tỉnh phát triển được khoảng 72 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan trải nghiệm.


Khách du lịch đến Đồng Tháp được hòa mình với cảnh vật thiên nhiên

Thời gian gần đây, các hộ dân trồng quýt ở huyện Lai Vung mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Nhà vườn Đoàn Anh Kiệt ở ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung tận dụng 5ha đất vườn trồng quýt làm du lịch miệt vườn cho du khách trải nghiệm. Với cách làm du lịch miệt vườn, ông Kiệt phấn khởi trước nguồn thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng quýt bán cho thương lái. Ông Kiệt cho biết, du khách mua vé vào vườn tham quan thỏa thích, chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm bơi xuồng và tự tay chọn hái những trái quýt hồng to tròn, căng bóng để mang về tặng người thân, bạn bè. Nhờ phát triển du lịch miệt vườn từ việc bán vé đến bán quýt trái cho khách du lịch và phục vụ ăn uống đã mang về thu nhập khá.

Khách du lịch ở các thành phố lớn có xu hướng đi tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn bởi được hòa mình với cuộc sống miền quê, thiên nhiên mát mẻ. Chị Đặng Thúy Quỳnh cùng người thân trong gia đình từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp tham quan, trải nghiệm du lịch, chia sẻ: “Cuộc sống đô thị nhộn nhịp xe cộ, người đông đúc nên gia đình tôi quyết định chọn loại hình du lịch miệt vườn để hưởng thụ khí hậu mát mẻ, trong lành. Tôi thích cảnh vật thiên nhiên, cây trái ở Đồng Tháp, bà con miệt vườn nơi đây chất phác, gần gũi, mến khách nên gia đình tôi thường xuyên chọn nơi đây làm điểm đến du lịch và thưởng thức những món đặc sản miền quê”.


Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn xã Tân Phước, huyện Lai Vung

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn; điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm; nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản; nông dân cần cù, sáng tạo, hồn hậu và mến khách; các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam bộ... tất cả những lợi thế này là điều kiện tốt để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng”.

TRẢI NGHIỆM FARMSTAY

Farmstay là một hình thức du lịch nông nghiệp còn khá mới mẻ, đang phát triển tại Đồng Tháp. Mô hình Farmstay thuộc Khu du lịch Hoa Kiểng Sa Đéc tọa lạc ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc có diện tích hơn 3,5ha, cùng với hàng ngàn tác phẩm bonsai, kiểng cổ giá trị. Trong đó, có cặp Me chua kiểng đạt kỷ lục cổ nhất Việt Nam, cặp Vạn niên tùng 120 năm tuổi, cây Sanh bon-sai đạt kỷ lục đường kính tán lớn nhất Việt Nam và hơn 150 giống hoa hồng. Farmstay còn cung cấp các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm các hoạt động canh tác nông nghiệp gắn với Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc trên trăm năm tuổi.

Việt Mekong Farmstay tọa lạc Khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông là nông trại nghỉ dưỡng được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương với không gian đa sắc màu, đậm nét hoang sơ của cánh đồng bông súng trắng, bông sen hồng, cỏ xanh, lúa vàng và lúa ma (lúa trời) giữa đồng với không khí trong lành. Hiện nay, Việt Mekong Farmstay là một điểm du lịch thu hút khách cao cấp, đặc biệt là lượng khách trẻ có thu nhập cao. Thời gian qua, Việt Mekong Farmstay phục vụ nhiều đoàn khách đến từ các thành phố lớn trong nước và các đoàn khách quốc tế đến từ các nước Đông Âu, Bắc Mỹ. Việt Mekong Farmstay là một mô hình nổi bật được Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch khảo sát phục vụ cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ.


Du khách quốc tế đến Việt Mekong Farmstay trải nghiệm di chuyển bằng xe trâu

Bà Hồ Ngọc Trâm - Giám đốc Việt Mekong Farmstay chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp mô hình du lịch xanh: “Tôi đã ấp ủ định hướng làm du lịch nông nghiệp từ khi còn là sinh viên và bắt đầu nghiên cứu, thực hiện mô hình Farmstay từ năm 2018. Với cảnh đẹp nông thôn, văn hóa bản địa, con người giản dị, thân thiện nên tôi tin nông nghiệp xanh sẽ là nơi giúp kết nối du khách trong nước, quốc tế tìm về vùng quê để trải nghiệm văn hóa. Tôi làm du lịch nông nghiệp tại quê hương Đồng Tháp, mong muốn hình ảnh địa phương ngày càng phát triển, nông sản được bán tại chỗ, người nông dân được tiếp xúc với nhiều du khách và bám quê làm giàu từ chính mảnh ruộng, con trâu, đồng sen của mình”.

Du lịch Đồng Tháp hướng đến tiềm năng xanh, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời quảng bá hình ảnh đất và người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn