Thường Phước 1

Xã biên giới anh hùng

Cập nhật ngày: 29/04/2016 13:05:34

Thời chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã anh dũng, ngoan cường chống giặc ngoại xâm. Sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã biên giới Thường Phước 1 đang từng ngày “thay da đổi thịt”.


Nông dân xã Thường Phước 1 trồng luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ màu để nâng cao thu nhập

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Thường Phước (bao gồm Thường Phước 1 và Thường Phước 2 hiện nay) trở thành địa bàn chiến lược quan trọng. Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Kiến Phong đã chọn nơi đây làm đất dừng chân để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở địa phương và khu vực. Trong suốt hơn 10 năm, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Thường Phước đã bảo vệ an toàn cho các cơ quan Khu ủy Khu 8.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thường Phước đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt trong việc giành lại chính quyền và suốt hai cuộc kháng chiến. Điển hình như đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; đánh các đồn Cao Đài (Mương Miễu), ấp 3 (Mương Kinh Cũ), Cầu Ván, Xã Lịch... Địa phương tổ chức nhiều cuộc mitting, làm đơn kiến nghị, lấy chữ ký gửi đến Ủy hội quốc tế giám sát đình chiến, đòi Mỹ - Diệm phải hiệp thương, tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Ngoài ra, người dân còn tích cực làm công tác binh vận; đóng góp hàng chục tấn gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho cách mạng.

Không lâu sau ngày đất nước thống nhất, Thường Phước lại phải đấu tranh chống bọn Pôn-pốt trên tuyến biên giới. Trong gần 3 năm (từ 1977-1979), quân và dân Thường Phước phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, kiên quyết bám trụ đánh địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xã đã thành lập Đội du kích 732 (chủ yếu là lực lượng nông dân mà nông dân nơi đây làm lúa giống 732). Lực lượng của địa phương kết hợp với nhiều lực lượng khác đánh trên 30 trận, trong đó nổi bật là 2 trận tại ấp 1, tiêu diệt 147 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 35 súng các loại.

Suốt mấy chục năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Thường Phước 1 đã có hơn 220 liệt sĩ; 85 thương binh, bệnh binh; 124 người có công với cách mạng; 23 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 2 Mẹ còn sống... Xã Thường Phước 1 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1984, xã Thường Phước được chia thành 2 xã: Thường Phước 1 và Thường Phước 2 (xã Thường Phước 1 được thừa kế từ xã Thường Phước cũ). Phát huy truyền thống anh dũng trong kháng chiến, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân địa phương tích cực xây dựng quê hương. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển. Đồng chí Phạm Hồng Thắng (SN 1952) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thường Phước 1 (từ năm 2000-2005) phấn khởi cho biết: “Những năm đầu sau giải phóng, điều kiện sống của người dân hết sức thiếu thốn. Lúa chỉ sản xuất 1 vụ/năm, năng suất lại thấp. Nhưng hiện tại quê hương đã phát triển nhiều. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng; nhiều diện tích lúa làm được 3 vụ/năm... Tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay của địa phương”.

Ngoài cây lúa, nông dân còn trồng hoa màu, chăn nuôi... Bà con áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nên năng suất và chất lượng nông sản nâng lên. Xã có thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 6 trường học từ bậc Mầm non đến THCS; quan tâm thực hiện công tác dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 5 năm qua, hơn 63 hộ nghèo và 28 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, địa phương thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội. Đối tượng gia đình chính sách không còn hộ nghèo.

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho hay: Từ khi đất nước hòa bình đến nay, bộ mặt nông thôn của xã có sự thay đổi rõ nét. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, lót đan, trải nhựa. Nhiều căn nhà kiên cố được xây dựng thay thế những căn nhà tạm bợ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Kinh tế hợp tác được củng cố, phát triển, gắn với các mô hình liên kết sản xuất... Đến nay, Thường Phước 1 đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Nhiều năm qua, Đảng bộ xã Thường Phước 1 đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Dù sự “chuyển mình” trên có thể chưa thật phi thường nhưng những thành tích này rất đáng ghi nhận. Bởi nếu so sánh với thời gian trước, trong điều kiện của một xã bị chiến tranh tàn phá; thuộc vùng biên giới nghèo khó thì mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thường Phước 1 đạt được hôm nay.

HÒA HIỆP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn