Những người tôi gặp

Cập nhật ngày: 29/04/2016 12:55:10

Trong thời gian đi tìm và gặp một số nhân chứng sống để sưu tầm tư liệu viết tiểu sử ông Nguyễn Văn Phối, người đầu tiên tôi tìm tới là ông Đặng Tâm Quảng ở xã Phong Mỹ, người có nhiều năm tháng hoạt động cùng ông Nguyễn Văn Phối thời chống Pháp.

Tuy tuổi đã 95, nhưng ông Đặng Tâm Quảng vẫn đi lại nhanh nhẹn, tiếng nói sang sảng và trí nhớ tuyệt vời. Ông nói: Tôi ở Phong Mỹ, anh Phối ở Mỹ Ngãi, hai xã liền ranh nhau, nên tôi với anh quen biết nhau từ thời còn đi học. Ông Lê Văn Sáng nhà ở rạch Cái Bí, người dẫn dắt tôi làm cách mạng và là cha vợ anh Phối; cả đám cưới của vợ chồng anh tôi còn nhớ, một đám cưới đơn giản lắm. Tôi với anh cùng hoạt động bí mật ở xã, cùng vào Huyện ủy Cao Lãnh và cùng được rút lên tỉnh, tôi công tác Tuyên huấn, anh công tác Hội Nông dân.

Ông say sưa kể những hiểu biết và những kỷ niệm về ông Nguyễn Văn Phối cho tôi nghe. Trầm ngâm một lúc, ông nói: Tánh tình anh Phối hiền hậu, có uy tín, anh em đều thương mến. Tiếc là anh mất sớm quá!

Ông Trần Anh Điền, những năm đầu chống Mỹ, cùng trong Tỉnh ủy Sa Đéc rồi Kiến Phong với ông Phối. Đầu năm 1960, ông Phối được rút hẳn lên khu thì ông Trần Anh Điền thay làm Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong. Tuổi đã 94, sức khỏe kém, mang nhiều bệnh, nhưng trí nhớ của ông rất minh mẫn. Ông nhiệt tâm ngồi hàng giờ kể và ngồi cả tháng trời nghiên cứu viết trên 22 mặt giấy những điều ông biết và nhận xét về ông Phối. Ông kể: Năm 1955, Năm Lửa dẫn quân Hòa Hảo vô Đồng Tháp Mười chống lại Diệm. Có chủ trương của Liên Tỉnh ủy, anh Phối chỉ đạo các Huyện ủy chủ động đưa người làm nòng cốt về quân sự, giúp Năm Lửa chống Diệm càng lâu càng tốt. Biết bản chất Năm Lửa vì mâu thuẫn quyền lợi nên chống lại Diệm để mặc cả, đến lúc nào đó họ có thể thỏa hiệp với nhau, nên anh Phối nhìn xa, trông rộng, dự kiến những việc làm khi Hòa Hảo ra hàng Diệm. Thật ra, anh hiểu bản chất của Mỹ Diệm nên ngay những ngày chuẩn bị tập kết, anh chỉ đạo bí mật chôn lại 3 hầm súng và chọn một số cán bộ quân sự, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, trung thành, dũng cảm giữ lại, không đi tập kết. Trong đầu anh đã định hình việc thành lập các đơn vị võ trang và khung cán bộ chỉ huy, cả phiên hiệu từng đơn vị. Tôi nhớ, khi học tập tình hình, nhiệm vụ sắp tới, Trung ương đưa ra 3 khả năng diễn biến ở miền Nam.

Một là, hòa bình được giữ vững, có hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ta thắng lợi toàn vẹn.

Hai là, chánh quyền miền Nam có tiến bộ, hiệp thương với miền Bắc thành lập chánh phủ liên minh, ta giành không trọn vẹn.

Ba là, không có hòa bình, không có hiệp thương tổng tuyển cử, phải đánh nhau và có thể kéo dài 10 năm, 20 năm.

Nên khi Hòa Hảo ra hàng Diệm, anh Phối tức tốc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các Huyện ủy giữ anh em mình đưa vô làm nòng cốt cho Hòa Hảo ở lại. Anh chỉ đạo Huyện ủy Cao Lãnh thành lập ngay 2 đơn vị võ trang lấy phiên hiệu 402 và 210. Mấy hôm sau, anh đi kiểm tra ở Huyện ủy Thanh Bình việc thành lập đơn vị 510. Các đơn vị núp dưới danh nghĩa bộ đội Hòa Hảo ly khai chống Diệm. Như vậy, đầu năm 1956 khi còn là tỉnh Sa Đéc, Tỉnh ủy đã thành lập tiểu đoàn Lý Thường Kiệt ở nam sông Tiền và tiểu đoàn Đinh Bộ Lĩnh ở bắc sông. Anh Phối chỉ đạo moi 3 hầm súng lên trang bị cho lực lượng võ trang.

Anh Phối nhận định qua 1 năm cọ sát, địch khủng bố dữ dội nên khả năng một không giữ được, khả năng hai cũng mù mờ và khả năng ba rõ rồi, tuy rằng lúc này đường lối của Đảng vẫn là lãnh đạo nhân dân đấu tranh chánh trị hòa bình.

Thực tế tỉnh Kiến Phong lực lượng võ trang đã tích cực nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, đánh một số trận thôi động, phá các âm mưu, chánh sách phản động của Mỹ Diệm, hỗ trợ phong trào đấu tranh chánh trị của quần chúng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng trước sức đánh phá dã man của địch. Nổi bật là trận đánh Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ngày 26/9/1959 chứng minh tác dụng của lực lượng võ trang.

Theo tôi, anh Phối là người sáng lập ra lực lượng võ trang tỉnh nhà từ đầu năm 1956. Cuối năm 1959, qua báo cáo của anh Phối về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Kiến Phong từ cuối năm 1954 đến năm 1959 và chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung trong cuộc họp Liên Tỉnh ủy mở rộng, thực tế chiến trường tỉnh nhà đã được Liên Tỉnh ủy rút ra bài học tấn công địch bằng hai chân chánh trị - võ trang và phối hợp 3 mũi giáp công chánh trị - võ trang - binh vận, sau này Đảng ta đúc kết thành lý luận và phương pháp cách mạng miền Nam.

Ông Nguyễn Văn Trình là em ruột ông Nguyễn Văn Phối, sau khi nghỉ hưu hiện ở ngôi nhà cất lại trên nền cũ của cha mẹ. Ông kể về gia đình: Cha mẹ tôi khai mở cả trăm công đất hoang ở vùng Gáo Giồng, làm ruộng. Khi cha và chú bị Pháp bắt bỏ tù, ở nhà anh Hai Phối là người lao động chính và chỉ huy cả gia đình. Anh nói gì, cả nhà nghe không ai dám cãi vì anh nói đúng. Anh nói là làm. Chị Hai tôi (vợ anh Phối) thuộc gia đình cách mạng, có giáo dục, tánh tình tốt, lễ phép, khéo léo, cả nhà không phiền hà gì. Tôi nhớ, sau năm 1940 Nhật vô, đời sống dân mình cơ cực lắm, thiếu vải mặt, cơm ăn. Anh Hai Phối đi học cách dệt vải về hướng dẫn bà con làm để có vải mặc. Khi anh Hai Phối thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng, chị Hai và các con vẫn ở chung gia đình tôi. Sau giải phóng, các con chị cất nhà ở quê ngoại - rạch Cái Bí rước chị về ở. Sau, các con về ở Sài Gòn nên chị theo lên đó ở luôn. Năm 2000 chị mất, chở về chôn cất ở đất nhà rạch Cái Bí.

Gặp cô Nguyễn Thị Phì là con ông Nguyễn Văn Trạng (em ông Phối), cô vui vẻ kể chuyện xưa lúc cô còn nhỏ, mỗi lần bác Hai gái (vợ ông Phối) đi thăm bác Hai trai đều có cô đi theo. Hai bác cháu đi xuồng, lúc tới Kinh Hội đồng Tường, khi về gần ở Gáo Giồng, lúc đi xa tuốt trên Cả Tiên, Cả Sơ, Hồng Ngự. “Năm 1962, bác Hai về Bến Tre công tác ở Đoàn 962, tôi cũng công tác quân y Đoàn 962. Ở đây tôi gặp anh Huỳnh Thanh Phong là y sĩ và làm lễ cưới năm 1965 ở Thạnh Phú (Bến Tre). Đêm đó, tôi nghe một tiếng nổ lớn ngoài vàm Khâu Băng, sáng hôm sau mới biết tin bác Hai tôi hy sinh...”.

Gặp bác sĩ Huỳnh Thanh Phong ở xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Anh nói: Trước khi đi qua Trà Vinh, bác Hai Phối có ghé thăm vợ chồng tôi. Sáng hôm sau xảy ra vụ nổ ngoài biển, tôi hay liền. Sau đó, bác Hai gái được Quân khu 8 đưa xuống đây thăm nơi bác Hai hy sinh.

Cùng công tác Quân y Đoàn 962 ở Bến Trà Vinh, chị Nguyễn Thị Khuyên kể: Tôi ở quân trang sau qua quân y. Đơn vị đóng trong rừng đước, vẹt, mắm... cách xa dân, không được ra nhà dân. Anh Võ Nam Phong quê xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, đi tập kết ra Bắc, năm 1962 đi trên tàu không số về Trà Vinh. Anh ở luôn Bến Trà Vinh. Năm 1970, 1971 gì đó chúng tôi làm đám cưới. Đêm ông Hai Phối hy sinh, tàu địch ở ngoài biển bắn pháo vô bãi liên tục. Máy bay tới ném bom rồi đổ quân đánh vô Bến. Tụi nó còn rải chất độc hóa học xuống khu vực này. Ác liệt lắm!

Đi quanh co tới lui, hỏi nhiều người, tôi tìm được nhà ông Trần Thanh Láy ở phường 7, TP.Trà Vinh. Ông bồi hồi nhớ lại: Thường tàu từ Bắc vô Vàm Lũng Bến Cà Mau, từ Cà Mau vũ khí được chuyển bằng tàu nhỏ về Trà Vinh, Trà Vinh về Bến Tre, tới sông Thị Vải cung cấp cho Quân khu 7 và Miền. Hôm anh Hai Phối từ Bến Tre qua Bến Trà Vinh kiểm tra và chở hàng về Bến Bến Tre, anh em ở đây tích cực đưa hàng xuống thuyền. Đến khoảng 10 giờ đêm thì nghe tiếng súng và tiếng nổ lớn ngoài vàm Khâu Băng...

Kho chứa ở đây cất trong rừng đước. Lúc đầu xóc cây làm trụ, nhưng bị lún, phải đấp nền đất cao, trên lợp lá xé. Sau đó, để bảo vệ chống bom pháo... phải xây hầm xi măng chìm dưới mặt đất, có nắp đậy để chứa võ khí lâu dài. Các kho này sử dụng cho tới giải phóng.

Được người cháu dẫn đường, chúng tôi tới nhà ông Trần Văn Rừng ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong. Dáng người mộc mạc, ông nói: Tôi lúc đó là thành niên tốt trong ấp. Được lịnh trên, tổ Đảng gom thanh niên tốt đi làm mà không biết làm gì, ở đâu. Tới nơi mới biết là đi chở võ khí từ tàu miền Bắc vô. Tàu đậu cách xa bờ. Ban đêm chúng tôi đi xuồng bơi, xuồng chèo, một ít xuồng máy ra tàu. Xếp theo thứ tự số 1, số 2... Thùng cây từ tàu chuyển xuống, xuồng nào đầy thì chở vô. Mỗi đêm đi được hai chuyến. Ban ngày nghỉ, ban đêm đi tiếp. Cứ vậy phải đi mấy đêm liền mới chở hết. Tôi nhìn tấm hình ông chụp phóng lớn trên vách lá. Ông giải bày: Tên Rừng là do cha mẹ đặt, vì đẻ tôi trong rừng lá...

Ông Nguyễn Văn Thạnh, tên thường dùng là Mười Thi, lúc nghỉ hưu là Trung tướng Chánh ủy Quân khu 9. Ông ở trong ngôi nhà rất yên tĩnh, xung quanh là vườn cây trái ở ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, năm nay ông đã trên 94 tuổi. Nhắc về Nguyễn Văn Phối, ông nói: Tôi chỉ biết anh Phối lúc ảnh ở Bến Tre. Thời đó, tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Chánh trị viên Tỉnh đội Bến Tre. Quan hệ với ảnh, tôi thuộc địa phương cấp dưới. Anh Phối là cấp trên. Tôi có trách nhiệm cung cấp người cho lực lượng anh Phối và phối hợp bảo vệ Bến. Mỗi khi có chuyến tàu chở võ khí tới, tôi tới nơi cùng xã huy động lực lượng thanh niên, xuồng ghe... để đi chở hàng từ tàu vô Bến. Tôi động viên tinh thần anh em và nhắc nhở bảo vệ bí mật. Tôi dặn địa phương chặt dừa nước đưa xuống tàu gởi ra miền Bắc.

Nhớ về ông Nguyễn Văn Phối, tiếng ông rì rầm: Anh Phối là người rất xông xáo chiến trường, thường qua lại các con sông kiểm tra, chỉ đạo công việc các đơn vị Đoàn 962. Anh rất sáng suốt trong chỉ đạo, gương mẫu trong cuộc sống, vui vẻ, có sức đoàn kết anh em. Anh triển khai nghị quyết rất rõ, dễ hiểu, lấy thực tế để liên hệ nên rất thuyết phục.

Ông bùi ngùi nhắc: Năm 1998, hôm cải táng anh về Đồng Tháp tôi có đến dự...

Nối tiếp truyền thống của Đoàn 962, hiện nay là Lữ đoàn Hải quân 962 đóng ở phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên. Dưới bến, một đoàn tàu quân sự các loại và trong trụ sở có phòng truyền thống của Đoàn 962 khá nhiều hiện vật và hình ảnh quý hiếm, trong đó có phần về ông Nguyễn Văn Phối - người Đoàn trưởng và Chánh ủy Đoàn 962, Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân.

Tóm tắt tiểu sử Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Phối


Đồng chí Nguyễn Văn Phối (SN 1916) quê xã Mỹ Ngãi, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha, chú đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Khi còn là học sinh Cao Lãnh, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ nên bị đuổi học. Năm 1936, đồng chí làm liên lạc chi bộ Mỹ Ngãi, được kết nạp Đảng năm 1936. Năm 1940, bị Pháp bắt đày đi Bà Rá và thoát khỏi nhà tù tháng 3/1945. Tháng 6/1945 là Huyện ủy viên Cao Lãnh; năm 1949, đồng chí là Bí thư Huyện ủy; năm 1950 được điều lên tỉnh, là Tỉnh ủy viên; năm 1952 là Phó Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp). Cuối năm 1954 là Bí thư Tỉnh ủy Sa Béc; năm 1956 là Bí thư Tỉnh ủy Long An; năm 1958 được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong; năm 1960 được bầu bầu vào Liên Tỉnh ủy và là Ủy viên Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy, Phó Chính ủy Quân khu 8; năm 1962 là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 962 lãnh đạo xây dựng các bến ở Bà Bịa, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam, hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 16/6/1966, sau khi kiểm tra bến Trà Vinh trở về Bến Tre, thuyền đồng chí bị tàu Hải quân ngụy vây đánh. Không thể thoát được, đồng chí Nguyễn Văn Phối và 8 đồng sự hủy thuyền và anh dũng hy sinh.

Năm 1989, phần mộ đồng chí được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 22/11/2011, liệt sĩ Nguyễn Văn Phối được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn