Thước đo bằng cấp

Cập nhật ngày: 05/06/2018 06:28:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180605063015Bai - THUOC DO BANG CAP.mp3

ĐTO - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018 đang đến gần.

Mặc dù những năm gần đây, vào đại học không còn là lựa chọn bất cứ giá nào, việc làm ra sao sau khi ra trường, nhưng tấm bằng đại học vẫn là khát vọng của đa số học sinh và phụ huynh, bởi tấm bằng là thước đo mang tính định lượng kiến thức, trình độ về một lĩnh vực nào đó, mở ra nhiều cơ hội về việc làm, theo đó là thu nhập, thăng tiến trong sự nghiệp. Đối với không ít người, tấm bằng đại học còn là thang giá trị, địa vị xã hội của bản thân, gia đình, dòng tộc.


Ảnh Internet

Tuy nhiên, không phải lúc nào bằng cấp cũng đi đôi với kiến thức và năng lực, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, như trí thông minh, sự nhạy bén, sở trường, kinh nghiệm, môi trường làm việc... trong đó năng lực cá nhân, bao gồm năng lực tư duy, năng lực hành động, năng lực làm việc với người khác và năng lực học tập, sáng tạo đóng vai trò quyết định hiệu quả công việc.

Thực tế có không ít người dù không có bằng cấp chuyên môn nhưng vẫn làm được những việc tưởng chừng không thể, có ảnh hưởng cả trong nước và thế giới. Họ làm được điều đó bởi không ngừng tự học và có năng lực thật sự.

Do bằng cấp là tiêu chí bắt buộc trong tuyển dụng, phân công, đề bạt người lao động, nhất là trong khu vực công, đã tạo động lực thúc đẩy người lao động phải học, phải thi. Bên cạnh đa số người học hành nghiêm túc để có thêm kiến thức phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả làm việc cho mình và cho tổ chức thì không ít trường hợp học giả - thi giả - bằng thật, học giả - bằng giả, đạo văn, thuê làm luận văn... để hợp thức hóa trình độ nhằm giữ ghế, lên chức, lên lương; xem bằng cấp là phương tiện hợp pháp để hình thành phe nhóm, trù dập nhau, tranh giành quyền lực...

Về chất lượng công tác đánh giá cán bộ thời gian qua được quan tâm, có nhiều giải pháp để nâng lên. Việc thi tuyển công chức được thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, nhiều nơi thi tuyển chức danh lãnh đạo, qua đó đã tuyển chọn được những người có kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, còn số lượng không ít người trong biên chế chỉ cần được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, cộng với tư tưởng cào bằng trong đánh giá, xếp loại, “được người được ta” thì có thể yên tâm tới tháng lãnh lương và đến kỳ được tăng lương. Có thể nói thực trạng này là một trong những rào cản khi thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII của Đảng về công tác cán bộ và cải cách chính sách tiền lương đã nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định”, “Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương”.

Chủ trương, nhiệm vụ Trung ương đề ra về trình độ, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ, công chức, viên chức tạo tiền đề giải quyết hài hòa, biện chứng mối quan hệ giữa bằng cấp và năng lực, hiệu quả làm việc; mở ra cơ hội lớn cho những người có năng lực thật sự và tâm huyết với nghề được cống hiến nhiều hơn; hạn chế đi đến chấm dứt tư duy trọng bằng cấp, biên chế suốt đời, sống lâu lên lão làng...

Nghị quyết Trung ương lần này cũng là gợi ý cho những học sinh, sinh viên khi chọn trường, chọn nghề, chọn nơi làm việc phù hợp để có thể phát huy tối đa kiến thức, năng lực, từ đó có thu nhập tương xứng với vị trí và công sức của mình.

Bằng cấp là thước đo về lượng kiến thức, là điều kiện cần để xã hội phân công lao động, chưa phản ánh năng lực, hiệu quả làm việc. Với chủ trương xác định vị trí việc làm phù hợp kiến thức cùng với định khung năng lực và thu nhập tương xứng của người lao động được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII đề ra, tin chắc rằng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của bộ máy công quyền thông qua chất lượng, hiệu quả làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn