Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải

Cập nhật ngày: 04/02/2020 10:24:03

ĐTO - Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng xã hội. Cùng với thời gian, công tác hòa giải ngày càng được khẳng định và phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống, góp phần củng cố mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác hòa giải và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã được thành lập đều khắp các khóm, ấp. Chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội, hạn chế các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội chưa quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; hoạt động của một số tổ hòa giải có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ; đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều, thành phần tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa đa dạng...

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm chỉ đạo kiện toàn, củng cố tổ chức.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, trong đó chú trọng thống kê, rà soát, đánh giá số lượng và hiệu quả hoạt động đội ngũ hòa giải viên để kiện toàn; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải; chủ động phối hợp với ngành tòa án trong việc triển khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành công ở cơ sở theo quy định. Từng bước đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, mức chi bồi dưỡng đối với các vụ việc hòa giải thành cho hòa giải viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động sự tham gia, đóng góp của xã hội vào công tác này.

Thực hiện việc sơ kết, tổng kết đánh giá ưu điểm, hạn chế, khen thưởng và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở để các Tổ hòa giải cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn