Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân

Cập nhật ngày: 03/02/2020 10:20:49

ĐTO - Ngay từ lúc ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết toàn thể dân tộc cùng tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng để đánh đuổi thực dân Pháp và xóa bỏ chế độ phong kiến, giành độc lập, tự do, hạnh phúc, quyền tự quyết cho dân tộc.

Sau khi thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta (năm 1858), hàng loạt cuộc đấu tranh vũ trang hoặc chính trị, bạo động hoặc bất bạo động đã diễn ra từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên, dù dưới ngọn cờ Cần Vương hay Duy Tân... đều lần lượt thất bại.

Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan và chủ quan, nhưng bao trùm là các cuộc kháng chiến vũ trang, vận động chính trị đó chưa đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân, chưa huy động được sức mạnh toàn dân tộc.

Trước đó, lịch sử từng ghi chép do tranh quyền đoạt vị trong triều đình, như khởi từ thời Lê - Mạc, đã dẫn đến cảnh nồi da nấu thịt, dân tình ly tán, đất nước rẽ chia, tạo cớ cho ngoại bang xâm lược... trong suốt 3 thế kỷ.

Trên đường tìm đường cứu nước, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng thế giới cùng nhãn quan chính trị sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra đường lối giải phóng dân tộc. Người biên soạn “Đường Kách mệnh” làm tài liệu tập huấn cho những hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam, sau đó là dự thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2/1930), hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta.

Chánh cương của Đảng nêu mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Mục tiêu trước mắt là nhân dân được tự do hội họp, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục cho dân chúng; đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, lập chính phủ, quân đội của nhân dân; xóa bỏ các thứ quốc trái, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc giao chính phủ nhân dân quản lý; thu hết ruộng đất chiếm đoạt của đế quốc chia cho dân cày nghèo; phát triển công, nông nghiệp và thực hiện lao động 8 giờ.

Với những mục tiêu phù hợp lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân, hàng loạt phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang của dân tộc đã diễn ra dưới ngọn cờ của Đảng.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Cách mạng tháng 8/1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Đồng khởi 1960, hơn 400km Địa đạo Củ Chi được xây dựng dưới đạn bom, phong trào “Những đêm không ngủ/ Hát cho dân tôi nghe của học sinh, sinh viên, phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của đồng bào miền Bắc, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 lịch sử và nhiều sự kiện khác diễn ra trên mọi miền Tổ quốc đều thấm đẫm máu xương, mồ hôi, nước mắt của cả dân tộc.

Từ máu lửa, đói nghèo, lạc hậu, bị bao vây cấm vận, Việt Nam ngày nay đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới.

Những hy sinh của dân tộc Việt Nam trong 90 năm qua chắc rằng không phải do người dân nhẹ dạ, cả tin, bị ép buộc bởi cộng sản như ai đó ra sức xuyên tạc, phủ nhận sự thật, mà là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dù có những sai lầm, như có lúc xem tất cả địa chủ, tư sản là đối tượng của cách mạng, không phân biệt địa chủ, tư sản yêu nước; hoặc kéo dài quá lâu, cứng nhắc cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp... nhưng Đảng đã kịp nhận ra và khắc phục.

Thừa nhận và khắc phục sai lầm, khuyết điểm càng củng cố niềm tin và khối đoàn kết của đảng viên, của nhân dân với Đảng.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Lịch sử 90 năm từ ngày ra đời đến nay cho thấy Đảng ta với truyền thống đoàn kết chặt chẽ, từ đó phát huy cội nguồn sức mạnh Việt Nam là khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn