“Một đời người, một rừng cây”

Cập nhật ngày: 03/02/2020 10:22:24

(Đôi dòng tưởng niệm Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, Người con ưu tú của Đất Sen hồng)


Công trình cầu Nguyễn Văn Bảy tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung. 
Ảnh: P.LỘC

Xin mượn một đoạn ca từ “Một đời người, một rừng cây” trong bài hát nổi tiếng để dẫn nhập câu chuyện về người Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy. Chú Bảy, người phi công huyền thoại, một biểu tượng bất khuất, kiên trung của mảnh Đất Sen hồng, đã ra đi với 84 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Người Việt mình thường dùng từ “ra đi” để nhắc đến cái chết, chắc có lẽ xem cái chết như một quy luật muôn đời: “sinh - lão - bệnh - tử”. Trên đời này chúng ta đã chứng kiến nhiều người “ra đi” trong âm thầm, lặng lẽ. “Triệu người quen có mấy người thân? Khi lìa đời có mấy người đưa?”. Có những người “ra đi” trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, gia đình, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí và cả xã hội, trong dòng người thành kính tiễn đưa. Và có những người đặc biệt hơn, khi “ra đi” làm cho những người ở lại bỗng chợt phải suy nghĩ lại mình để sống sao cho có ích hơn, tạo ra giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Nói cách khác, có những cuộc “ra đi - cái chết” để những người “ở lại - còn sống” phải “sống” sao cho đúng nghĩa của từ “sống” trong cuộc đời. Chuyến “ra đi” của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đáng kính đúng nghĩa là như vậy đó!

Người Anh hùng ấy năm xưa từng tung hoành trên bầu trời với cánh chim sắt, lập nên những chiến tích oai hùng, làm cho kẻ thù vừa khiếp sợ, vừa nể trọng. Người Anh hùng huyền thoại ấy được nhân dân tin yêu, quý mến: “Trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi luôn cảm phục và ngưỡng mộ cánh én bạc - Anh hùng Nguyễn Văn Bảy... Đội mũ rơm đi học đường dài, thiếu thốn đủ bề nhưng anh em chúng tôi đều dành dụm mua cho được những bức tranh có hình phi công Nguyễn Văn Bảy và đồng đội của ông...”.

Và, chính con người ấy khi trở về với đời thường đã chọn cho mình cuộc sống bình dị, chân quê, bên gia đình, người thân, chòm xóm, ruộng vườn. “Về quê vui thú với tang điền. Rẫy sớm nương chiều, tối giấc tiên. Tâm mãi hơn thua: lòng hiểm ác. Hồn không vướng bận: dạ chơn hiền”! Không công thần địa vị. Không thiệt hơn hơn thiệt. Không vỗ ngực xưng tên. Chân chất hồn người. Hào sảng hồn quê. Thầm lặng tiếp tục cống hiến cho đời những câu chuyện chắt lọc từ cuộc đời người lính, làm lay động bao thế hệ người với câu nói khiêm nhường, mộc mạc: “Tui thấy bản thân cũng bình thường thôi... Đảng, Nhà nước đã ưu đãi tui nhiều rồi”!

Vậy là, một đời người anh hùng đó đã tạo ra “một rừng cây” cho nhiều thế hệ người trên mảnh Đất Sen hồng này. Khát vọng mãnh liệt đến với người phi công huyền thoại đó khi có duyên cơ gặp Bác Hồ và được dặn dò: “Các cháu phải học cho giỏi, đánh thắng kẻ thù để đến ngày toàn thắng chở Bác về thăm đồng bào miền Nam”.

Chuyện kể rằng, trên một bia mộ ai đó có ghi tên người nằm dưới mộ kèm theo câu: “Chết năm 25 tuổi, chôn năm 75 tuổi”. Nghĩa là người đó có 50 năm sống trên cõi đời một cách vô vị, vô nghĩa, sống vị kỷ, sống chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình, cái tôi của mình, sống mà không tạo ra bất kỳ một giá trị gì cho xã hội, cho chính mình. Sống mà như vậy thì có khác gì đã chết?!? Trong khi đó, lại “Có những cái chết hóa thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca. Có những người như chân lý sinh ra”! Và như vậy, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã thành bất tử, là vang vọng hơn mọi lời ca, là từ chân lý sinh ra!

Như vậy là, một cánh chim trời đã trở về nằm trong lòng đất mẹ, với hương đồng gió nội, về với nơi sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn. Một “người trần mắt thịt” mà như bước ra từ câu chuyện cổ tích. Người Anh hùng đó xuất thân từ nông dân ở một làng quê nghèo, bước vào quân ngũ khi chỉ mới học lớp 3 mà chiến thắng những phi công học từ các học viện không quân nổi tiếng nhất trên thế giới. Vậy thì, điều gì làm nên câu chuyện tưởng chừng như cổ tích đó, phải chăng là ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt, khát vọng lớn lao? Đúng là bằng những điều đó, chúng ta đã chứng kiến một chân lý “không gì là không thể”!

Có những người “ra đi” để lại bao tiếc nuối cho người ở lại, nhưng cũng có người “ra đi” để những người ở lại không chỉ tiếc nuối, mà còn biết đoàn kết với nhau hơn, yêu thương nhau hơn, biết cần phải làm gì để khi “ra đi” không còn tiếc nuối, ân hận vì sống hoài, sống phí cuộc đời. Trong dòng người tiễn đưa người Anh hùng về nơi vĩnh hằng có biết bao giọt nước mắt từ người thân, gia đình, đồng chí, đồng đội, từ những người dân quê lam lũ. Và, cũng có những giọt nước mắt nuốt ngược vào trong và tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với người đã “ra đi” và với chính bản thân mình.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Chân lý thuộc về mọi người. Không chịu sống đời nhỏ nhoi...”!

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn